Print Thứ bảy, 26/01/2019 22:41

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn thành phố xảy ra một số đối tượng giả danh cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC); “khủng bố” điện thoại yêu cầu các cơ sở kinh doanh mua tài liệu tập huấn về công tác PCCC.

 

Giả danh cán bộ phòng cháy, chữa cháy

 

Vào đầu tháng 10, chị N.P.T, chủ phòng khám răng trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng) nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ tự xưng tên Phượng, là cán bộ Cảnh sát PCCC thành phố. Chị này thông báo đội Cảnh sát PCCC quận Hồng Bàng chuẩn bị mở lớp tập huấn về PCCC cho người đứng đầu cơ sở và toàn thể nhân viên, đề nghị phòng khám nộp trước 750.000 đồng để nhận tài liệu tập huấn. Chị N.P.T có hỏi han, thắc mắc, được người đầu dây bên kia giải thích: do thời gian học ngắn, đơn vị phải giao tài liệu để nhân viên tự học trước; khi lớp tập huấn kết thúc sẽ hỗ trợ, trả lại phòng khám 200 nghìn đồng. Để thêm phần thuyết phục, đối tượng mạo danh còn cho biết, ngày 15-10 sẽ có Đoàn thanh tra Sở Y tế phối hợp lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở nào không có tài liệu PCCC sẽ bị phạt hành chính rất nặng. Vì phòng khám chưa trải qua đợt tập huấn PCCC nào, số tiền mua tài liệu cũng không quá nhiều, nên chị N.P.T đồng ý. Ngày 10-10, phòng khám răng của chị nhận được một bưu phẩm với hóa đơn thanh toán 750 nghìn đồng. Khi chị T mở bưu phẩm, chỉ có duy nhất 1 cuốn sách “Hệ thống văn bản mới quy định về PCCC và hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy” do Nhà xuất bản Lao động phát hành, giá bìa 450 nghìn đồng. Quá ngày được thông báo mà vẫn không thấy đơn vị nào tới kiểm tra về PCCC, chị N.P.T gọi điện lại cho người phụ nữ tên Phượng nhiều lần, song không có ai bắt máy. Lúc này, chị T chắc chắn mình đã bị lừa.

 

Tập huấn kiến thức và kỹ năng PCCC tại Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL), ở phường Minh Khai (quận Hồng Bàng).

 

Cũng bị áp dụng thủ đoạn tương tự, nhưng không “sập bẫy” lừa đảo như chị N.P.T, anh N.T.A, quản lý cửa hàng bán quần áo trên đường Hàng Kênh (quận Lê Chân) cảnh giác hơn khi chủ động xác minh thông tin nhận được. Anh N.T.A cho biết: “Giữa tháng 10, tôi nhận được điện thoại của một người phụ nữ tự xưng tên Lan, cán bộ Cảnh sát PCCC thuộc Công an thành phố; thông báo cuối tháng 10 sẽ có đợt kiểm tra PCCC đối với các cơ sở kinh doanh; bắt buộc phải mua tài liệu PCCC có giá 450.000 đồng/quyển để “tránh” bị đình chỉ hoạt động. Song, cửa hàng của tôi đã hoàn thiện các thủ tục PCCC, nên dứt khoát không mua. Thấy vậy, người phụ nữ tên Lan đe dọa, “thế thì cứ chuẩn bị sẵn tiền để nộp phạt”. Tưởng sự việc kết thúc ở đây, tuy nhiên ngay hôm sau vẫn có người cố tình tới giao  tài liệu. Để tạo sự tin tưởng với tôi, người vận chuyển còn đưa ra một danh sách dài các cơ sở ký nhận sách. Chỉ khi thấy tôi gọi điện trực tiếp cho cán bộ phụ trách PCCC khu vực để xác minh, đối tượng giao hàng mới lúng túng và phóng xe đi mất”.

 

Cần báo cơ quan chức năng

 

Trao đổi về vấn đề này, đại tá Lê Quốc Đạt Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thành phố khẳng định: Thủ đoạn gọi điện tự xưng là cán bộ lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố để vận động các cơ sở kinh doanh mua tài liệu PCCC là hành vi lừa đảo; vừa làm mất uy tín của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố, vừa chiếm đoạt tiền của các cơ sở kinh doanh. Theo quy định quản lý nhà nước về PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố không có chủ trương, cũng không được phép bán sách hay tài liệu liên quan đến PCCC và CNCH cho các doanh nghiệp, cá nhân. Trước đây, vào năm 2016, từng xuất hiện chiêu lừa đảo mua tài liệu PCCC tương tự. Thời điểm đó, Cảnh sát PCCC thành phố và Công an thành phố tiến hành xác minh hành vi lừa đảo, cảnh báo người dân tránh bị “sập bẫy” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, các vụ việc kiểu này lại tái diễn trên địa bàn thành phố. Các đối tượng thường nhằm vào những cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, ít kinh nghiệm trong công tác PCCC. Tuy hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chưa nhận được trường hợp, đơn thư tố giác hành vi này, song nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC thành phố được các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gọi điện tới phản ánh việc có đối tượng gọi điện ép mua tài liệu PCCC. Nắm bắt được thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ  nhanh chóng báo cáo, đề xuất Công an thành phố làm rõ hành vi lửa đảo này.

 

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an thành phố) khuyến cáo: Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng dịch vụ thương mại điện tử, khai thác thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp trên mạng để thực hiện việc gọi điện giao dịch. Các doanh nghiệp, cá nhân tuyệt đối cảnh giác trước chiêu lừa này; yêu cầu người gọi cung cấp đầy đủ thông tin xác minh, yêu cầu làm việc trực tiếp tại cơ quan và không chuyển tiền hay giao tài sản cho họ. Khi phát hiện đối tượng có những hành vi nói trên, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời.


 

Theo đại tá Lê Quốc Đạt, việc mở lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận PCCC dựa trên yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố căn cứ số người đăng ký tập huấn, tính chất hoạt động của cơ sở để xây dựng, triển khai kế hoạch tập huấn. Nếu thực hiện công tác kiểm tra PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp, Phòng Cảnh sát PCCC thành phố hoặc các đội trực thuộc đơn vị sẽ thông báo bằng công văn với đơn vị được kiểm tra trước ít nhất 3 ngày về thời gian, thành phần đoàn kiểm tra, nội dung kiểm tra. Việc kiểm tra chủ yếu có tính chất hướng dẫn các cơ sở kiện toàn các điều kiện PCCC; sau khi được nhắc nhở mà các cơ sở vẫn cố tình vi phạm thì mới xử phạt theo quy định.


Mộc Dương- Báo Hải Phòng 23/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo giả danh công an
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác