Print Thứ hai, 04/11/2024 16:35 Gốc

Thời gian gần đây, chuyên mục “Qua đường dây nóng” của Báo Hải Phòng nhận nhiều phản ánh của người dân về việc một số đối tượng có hành vi dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin, quét hình ảnh thẻ căn cước công dân và sau đó giao dịch để mua tài khoản ngân hàng đó dùng vào giao dịch lừa đảo, rửa tiền…

Đầu tháng 10/2024, em Trần Thị Vân Tiên, ở phố Hào Khê, nhà ở phường Cát Bi (quận Hải An), đang học năm thứ nhất Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) nhận tin nhắn từ Facebook có tên “Vân Thanh” với nội dung mời mở tài khoản ngân hàng, tiền công được trả là 50 nghìn đồng/tài khoản. Nếu mời thêm được bạn bè, người thân mở tài khoản ngân hàng, em sẽ được trả công 30 nghìn đồng/tài khoản. Người này cho biết, hiện đang học việc tại ngân hàng PGBank, đang thiếu chỉ tiêu mở tài khoản tháng 10 nên mong muốn mời nhiều người ủng hộ mở tài khoản để đạt được định mức công việc, xong sẽ gửi tiền công. Thấy việc mở tài khoản ngân hàng cũng cần thiết cho bản thân và bạn bè khi học xa nhà, Tiên chuyển tiếp tin nhắn mời thêm 5 người bạn cùng thực hiện. Tiên được hướng dẫn cung cấp hình ảnh 2 mặt căn cước công dân, dữ liệu khuôn mặt bằng cách chụp ảnh đầy đủ chân dung… Nhận thấy việc này có thể làm lộ các thông tin cá nhân nên Tiên từ chối và hoàn trả lại tiền. Lý do Tiên từ chối là khi tìm hiểu kỹ hơn qua báo chí, em mới biết, nếu cung cấp toàn bộ thông tin như yêu cầu, các đối tượng sẽ chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc ép các em bán lại tài khoản ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo một cách thuận lợi.

Tình trạng trên xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước và Hải Phòng. Để cảnh báo thủ đoạn này, trên các trang fanpage Facebook của cơ quan Công an các quận huyện như Hải An, Lê Chân, Ngô Quyền, Tiên Lãng, Thủy Nguyên… đều đăng tải các bài viết cảnh báo về thủ đoạn, hành vi lừa đảo của các đối tượng. Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng là dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, tên tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP). Đồng thời, kẻ gian thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của học sinh, sinh viên để xác minh danh tính khi có yêu cầu của ngân hàng.

Mới đây, ngày 30/8/2024, Công an thành phố Nam Định tiến hành khám xét ngôi nhà số 6A, ngõ 39, đường Lê Lý, phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang) của Đoàn Trắc Tuyên và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ cũng về hành vi “Tàng trữ, mua, bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Qua đấu tranh, Đoàn Trắc Tuyên khai nhận, thông qua một nhóm kín trên mạng xã hội Facebook, Tuyên có giao dịch mua, bán 1,8 nghìn tài khoản ngân hàng với một số cá nhân trú tại thành phố Nam Định và nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Mỗi tài khoản ngân hàng được bán với giá 50 nghìn đồng. Vụ việc đang được cơ quan công an mở rộng điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh được Công an quận Hồng Bàng tuyên truyền kiến thức về an toàn, an ninh mạng vào ngày 16/9. Ảnh: THÙY AN.

Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn bản số 4932/NHNN-TT gửi UBND các tỉnh, thành phố trong việc tăng cường công tác phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. Theo đó, các hành vi vi phạm trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 và 6, Điều 26, Nghị định 88/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019 của Chính phủ với mức từ 40 triệu đến 100 triệu đồng đối với các hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thiếu tá Đoàn Hữu Đông, Đội trưởng Đội trật tự xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố) cho biết: Đây là thủ đoạn mới, chủ yếu nhắm đến học sinh, sinh viên, nhất là ở độ tuổi từ 15 trở lên, chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật… Gia đình, các trường học, đoàn thanh niên cần tích cực hơn trong việc quán triệt, tuyên truyền, thông tin kịp thời tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên về các phương thức thủ đoạn nêu trên để không bị các đối tượng xấu lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp. Các học sinh, sinh viên tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho tặng, cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Đồng thời, không nên chia sẻ các thông tin, dữ liệu cá nhân như: hình ảnh căn cước, số điện thoại, số tài khoản thanh toán… trên môi trường mạng để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện bất kỳ hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng nào, cần báo ngay cơ quan Công an để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, các em cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng khóa tài khoản thẻ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng không liên quan đến các giao dịch trong thời gian bị mất.

MINH CHÂU

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh giác thủ đoạn dụ học sinh, sinh viên mở thẻ ngân hàng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác