Vừa qua, chuyện mục Qua đường dây nóng của Báo Hải Phòng nhận được phản ánh của một số bạn đọc về tình trạng lừa đảo trực tuyến đăng ký dịch vụ YouTube Premium (gói xem YouTube cao cấp) với giá rẻ, nhằm chiếm đoạt tiền hoặc thông tin cá nhân của người có nhu cầu.
Phản ánh qua điện thoại đến Báo Hải Phòng sáng 25/10, anh Nguyễn Văn K., ở tổ dân phố 5 phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) cho biết: Gần đây khi dùng Facebook, anh thấy có nhiều bài đăng quảng cáo cung cấp dịch vụ YouTube Premium với giá chỉ 20.000 đồng/tháng, thấp hơn so với giá bán từ chính hãng Google tại thị trường Việt Nam. Khách hàng có nhu cầu sẽ lựa chọn thanh toán theo gói 6 tháng hoặc 1 năm. Thấy rẻ, anh K. chuyển tiền mua gói 1 năm là 240.000 đồng vào tài khoản của người có tên “Cuong VT” trên Facebook để được hướng dẫn cài đặt và sử dụng. Tuy nhiên, sau vài ngày sử dụng, anh K. thấy chất lượng không như quảng cáo, người bán cũng “mất tích” luôn trên mạng.
Được biết YouTube Premium là gói dịch vụ cao cấp có thu phí do Google cung cấp tại thị trường Việt Nam từ ngày 12/4/2023. Hiện mọi người vẫn có thể xem YouTube miễn phí. Tuy nhiên khi mua gói YouTube Premium, người dùng sẽ có một loạt lợi ích như: Xem video không có quảng cáo chen ngang; tải video về để xem ngoại tuyến; tiếp tục nghe nhạc hoặc xem video khi đóng ứng dụng hoặc khi màn hình tắt…
Gói YouTube Premium được cung cấp chính hãng với 3 mức phí: Người dùng cá nhân là 79.000 đồng/tháng, sinh viên là 49.000 đồng/tháng, nhóm gia đình là 149.000 đồng/tháng (được chia sẻ bởi chủ nhóm cho tối đa 5 thành viên khác, tổng cộng không quá 6 người). Thực tế, nhiều người lựa chọn sử dụng theo nhóm gia đình vì giá rẻ, chỉ tốn chưa đến 25.000 đồng/tháng đối với mỗi điểm sử dụng dịch vụ Premium. Gần đây, việc mua, cài đặt và sử dụng YouTube Premium được bàn tán sôi động tại các diễn đàn, mạng xã hội. Với tâm lý muốn dùng tài khoản YouTube Premium với giá rẻ, nhiều người sập “bẫy” của những kẻ lừa đảo.
Về vấn đề trên, anh Trịnh Quang Vinh, chuyên viên tư vấn khách hàng chi nhánh Viettel Hải Phòng cho biết: Trước khi Google chính thức phát hành YouTube Premium ở Việt Nam, người có nhu cầu vẫn tìm mua tài khoản YouTube Premium lậu trên “chợ đen” với giá từ 30.000-50.000 đồng/tháng. Khi dịch vụ chính hãng xuất hiện, giá YouTube Premium trên “chợ đen” giảm chỉ còn 15 nghìn đến 20 nghìn đồng/tháng, nhiều người vẫn chọn mua… vì ham rẻ. Những người chuyên bán các tài khoản YouTube Premium “lậu” dùng thủ thuật đổi địa chỉ IP máy tính người dùng sang các quốc gia khác nhằm đăng ký gói gia đình với giá rẻ hơn ở thị trường Việt Nam (như tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, giá gói gia đình quy đổi chỉ khoảng 73.000 đồng/tháng/6 tài khoản) rồi tìm thêm 5 người để chia sẻ tài khoản. Việc mua bán tài khoản “lậu” gặp nhiều bất cập vì ràng buộc về thời hạn sử dụng, nguy cơ bị khóa và thậm chí là mất tiền mà không được sử dụng. Trong trường hợp này, người mua rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo trực tuyến. Kẻ gian sẽ có nhiều mánh khóe để chiếm đoạt tiền của người dùng, như dùng 1 tài khoản bán cho nhiều người, hoặc tài khoản chỉ có giá trị 1 tháng nhưng thu tiền từ người mua theo gói 6 tháng, 1 năm. Quyền lợi của khách hàng không được bảo đảm vì người bán có thể nhận tiền xong rồi chặn liên hệ. Chưa kể, những đối tượng này sẽ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, như tài khoản email, mật khẩu đăng nhập để làm tài khoản YouTube Premium “chính chủ“. Điều này dẫn tới rủi ro mất tài khoản email có liên kết với các tài khoản khác như Facebook, Google hay ví điện tử, thậm chí là tài khoản ngân hàng dẫn đến mất tiền. Vì vậy, người dùng cần cảnh giác với những mức giá dịch vụ quá rẻ, có nguy cơ trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thản, chuyên viên Phòng Bưu chính-Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo: Đây là một chiêu lừa đảo trực tuyến mới mà người có nhu cầu sử dụng YouTube Premium cần cảnh giác. Thời gian này, các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động, cảnh giác khi giao tiếp trên môi trường mạng để bảo vệ tài sản của chính mình. Không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber… Cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp bị hack tài khoản. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, website lạ do đối tượng gửi đến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Theo luật sư Bùi Thị Thương (Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng), Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội lừa đảo qua mạng với giá trị trên 2 triệu đồng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân, phạt tiền đến 100 triệu đồng. Trường hợp lừa đảo qua mạng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính đến 2 triệu đồng theo Khoản 1, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Như vậy, quy định pháp luật xử lý về việc làm trái pháp luật nêu trên có đầy đủ, rất cần cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý triệt để vi phạm, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng./.
Bài và Ảnh: Phạm Thanh