Print Thứ sáu, 19/07/2019 08:59

Mất an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề báo động, ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của DN và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, cùng với việc mạnh tay xử lý vi phạm, Nhà nước cần khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Ảnh: Vân Nhi

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về ATTP. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm bị thu giữ chủ yếu là bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, dầu thực vật, sản phẩm động vật cũng như các loại thực phẩm khác.

Chia sẻ tại hội thảo “Ngành Công Thương đảm bảo công tác ATTP vì quyền lợi người tiêu dùng” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/7, bà Phạm Thị Vĩnh Hà – đại diện Tổng cục QLTT, các hành vi vi phạm chủ yếu về điều kiện ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; vi phạm về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của các DN có thương hiệu mạnh. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của DN và thiệt hại cho người tiêu dùng. Những địa bàn thường xảy ra các vụ vi phạm ATTP lớn chủ yếu tập trung ở các TP và vùng phụ cận là những nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu về thực phẩm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hay các cửa khẩu, cảng biển tập trung hoạt động xuất nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh như Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng…
Nhằm đảm bảo công tác ATTP, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh việc triển khai các cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ các đối tượng kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. Cụ thể, thực hiện tư vấn hỗ trợ các địa phương và DN xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm ATTP. Nhấn mạnh về trách nhiệm của DN đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực ATTP, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Trịnh Anh Tuấn cho rằng, DN cần có trách nhiệm cung cấp thông tin, cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo vệ thông tin, trách nhiệm bên thứ ba, bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại. Cùng với đó, các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời thực hiện các hoạt động truyền thông, marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Canh cánh nỗi lo mất an toàn thực phẩm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác