Những ngày qua, thông tin nền tảng thương mại điện tử giá rẻ Temu ra mắt tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của người dùng trong nước. Theo giới thiệu, Temu là một công ty thương mại điện tử kết nối người tiêu dùng với hàng triệu đối tác kinh doanh hàng hóa, nhà sản xuất và thương hiệu. Doanh nghiệp này cam kết đưa các sản phẩm giá cả phải chăng lên nền tảng của mình.
Temu được thành được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc) – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay, đã có mặt trên nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, các nước châu Âu, Nhật Bản,…
Ngoài việc thu hút người dùng nhờ những món hàng có mức giá giảm 50-70% so với giá gốc, hiện nay, cộng đồng mạng Việt Nam còn “đổ xô” tải ứng dụng Temu để kiếm tiền thông qua chương trình tiếp thị liên kết “Affiliate & Influencer: Kiếm hoa hồng“.
Theo đó, người dùng mới lập tài khoản trên sàn Temu được tặng ngay 50.000 đồng. Nếu giới thiệu được bất cứ ai đăng ký tài khoản qua đường dẫn được tạo sẵn, người dùng nhận ngay 150 nghìn đồng và nhận hoa hồng 10 đến 30% dựa trên giá trị đơn hàng. Đây là mức hoa hồng cao hơn so với các nền tảng khác như Shopee, Lazada,…
Theo tìm hiểu, có hai cách chính để kiếm tiền qua Temu bao gồm: Mời khách hàng mua hàng qua đường dẫn (đường link) hoặc mời người dùng cài ứng dụng qua đường link đã được tạo sẵn.
Nắm bắt được chương trình tiếp thị liên kết có mức hoa hồng cao, tại Việt Nam, các hội nhóm như “TEMU AFFILIATE – Tiếp Thị Liên Kết Kiếm Tiền”, “Cộng Đồng TEMU Việt Nam – Kinh Nghiệm Săn Sale” đã thu hút hàng trăm nghìn thành viên tham gia chỉ trong thời gian.
“Vỡ mộng” khi đọc kỹ chính sách hoa hồng từ Temu
Ghi nhận của PV, tại nhóm “TEMU Việt Nam”, nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng tải link giới thiệu đăng ký Affiliate của Temu với hy vọng tận dụng được khoảng thời gian đầu khi Temu mới vào Việt Nam nhằm kiếm lợi nhuận.
Anh Nguyễn Gia Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mới tìm hiểu về ứng dụng Temu được 3 ngày. Thông qua mạng xã hội, anh biết về chương trình tiếp thị liên kết của sàn này.
“Khi mới đọc qua chương trình này, tôi rất ngạc nhiên khi biết chỉ cần mời người dùng đăng ký, tải ứng dụng qua đường dẫn là sẽ nhận 150 nghìn đồng. Dù vậy, tìm hiểu kỹ thì thấy chính sách của ứng dụng này không hề dễ dàng như quảng cáo”, anh Hưng nói.
Cụ thể, theo chính sách của Temu, người giới thiệu chỉ có thể kiếm tiền hoa hồng 10-30% cho 10 lần mua hàng đầu tiên được thực hiện bởi “một người dùng ứng dụng mới” bằng đường link giới thiệu trong vòng 30 ngày.
Theo định nghĩa của Temu, “người dùng ứng dụng mới” có nghĩa là người dùng tải ứng dụng Temu và đăng ký với Temu lần đầu tiên trên ứng dụng.
“Người dùng ứng dụng mới sẽ bị loại khỏi trạng thái người dùng ứng dụng mới nếu họ gỡ cài đặt ứng dụng Temu. Người dùng web mới có nghĩa là người dùng Temu đăng ký với Temu lần đầu tiên trên trang web Temu”, chính sách của Temu nêu rõ.
Như vậy, để người giới thiệu nhận được hoa hồng, người được giới thiệu phải mua hàng qua ứng dụng trong thời gian 30 ngày và không được gỡ cài đặt ứng dụng Temu. Nếu người dùng ứng dụng mới gỡ cài đặt ứng dụng Temu, họ sẽ bị mất trạng thái “người dùng ứng dụng mới”, đồng nghĩa với việc người giới thiệu sẽ không nhận được hoa hồng kể từ lúc đó.
Chính sách của Temu nêu rõ “tiền thưởng sẽ chờ xử lý trong tài khoản của bạn sau khi người dùng ứng dụng mới có được trạng thái người dùng ứng dụng mới, không thể rút tiền cho đến khi cùngngười dùng ứng dụng mới thực hiện giao dịch mua đủ điều kiện đầu tiên trên ứng dụng Temu”.
Tương tự, nếu muốn nhận 150 nghìn đồng thông qua việc giới thiệu bạn bè đăng ký tài khoản thì người được giới thiệu cũng phải thực hiện giao dịch mua đủ điều kiện (không được đổi, trả, hoàn hàng – PV) trên ứng dụng Temu.
“Nếu bất kỳ người dùng ứng dụng mới nào không thực hiện giao dịch mua đủ điều kiện trên ứng dụng Temu, tiền thưởng sẽ bị Temu hủy bỏ. Nếu một giao dịch mua đủ điều kiện bị hủy bỏ, hoàn lại hoặc trả lại, dù một phần hoặc toàn bộ, hoa hồng và/hoặc tiền thưởng cho giao dịch mua đó có thể bị Temu hủy bỏ“, chính sách của Temu nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Báo Dân Trí, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 23/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định theo quy định của Nghị định 85/2021, các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.
Về quan điểm có nên cấm sàn thương mại điện tử Temu hoạt động tại Việt Nam hay không, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết hiện nay, Indonesia đã tìm cách ngăn chặn nền tảng này và một số quốc gia cũng bày tỏ quan ngại. “Tôi cũng đã giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động”, lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết về mặt nguyên tắc, Bộ Công Thương vẫn đang triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt và chống gian lận hàng giả, hàng nhái. Bộ cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát liên quan đến vấn đề này
.”Về giá cả, đến tôi cũng giật mình vì giá bán hàng hóa của họ rất rẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể. Chưa thể khẳng định mức giá rẻ đó là thật hay không thật. Bộ Công Thương vẫn tôn trọng việc mua bán, thỏa thuận trên thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói. Ông nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ sẽ có các giải pháp để kiểm soát việc này.
Hiếu Nguyễn
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More