Print Thứ ba, 15/12/2020 12:07 Gốc

Hàng loạt hãng hàng không vừa phát đi cảnh báo việc xuất hiện một số website không phải kênh bán vé chính thức của hãng khiến hành khách có nguy cơ bị lừa, mua phải vé máy bay Tết giả.

Theo đó, dịp gần đây liên tục xuất hiện một số website không phải kênh bán vé chính thức, nhưng được thiết kế gần giống website chính thức của các hãng. Giao diện, màu sắc, logo những trang web này cũng được thiết kế tương tự.

Không chỉ vậy, các trang web này còn được tính toán để có thể hiển thị ngay ở trang nhất bộ máy tìm kiếm khi khách hàng tìm kiếm từ khóa về mua vé máy bay.

Do các website này không phải kênh bán hay đối tác chính thức của các hãng, hành khách mua vé từ đây sẽ không được đảm bảo quyền lợi, có thể mua phải vé giả, vé bị nâng giá…

Vé máy bay Vietnam Airlines bị các đối tượng lừa đảo rao tặng trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, các hãng hàng không cùng các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp website như trên. Tuy nhiên, hành khách vẫn cần rất chú ý cảnh giác để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Bên cạnh lưu ý về kênh mua vé, các hãng tiếp tục mong muốn hành khách làm thủ tục trực tuyến trước chuyến bay. Theo đó, hành khách có thể làm thủ tục trước qua điện thoại (telephone check-in), website, ứng dụng di động hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (kiosk check-in), giúp tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với làm thủ tục tại quầy truyền thống ở sân bay.

Trước đó, một số trường hợp hành khách bị ảnh hưởng bởi website có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu của Vietnam Airlines đã được phản ánh. Cụ thể, một nữ hành khách có nhu cầu bay Hà Nội-Đà Lạt vào cuối tháng 11, đã lên mạng tìm kiếm website đặt vé của Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, sau khi hiện kết quả tìm kiếm, do không kiểm tra kỹ lưỡng nên khách hàng đã nhấp chuột truy cập website www.vietnamairslines.com. So với website chính thức www.vietnamairlines.com của Vietnam Airlines, tên miền của website này có thêm chữ “s”, được chèn vào giữa từ “Airlines” khiến khách hàng khó phân biệt. Website này còn có giao diện, màu sắc và các thao tác đặt vé tương tự với website chính thức Vietnam Airlines.

Theo các hãng hàng không, do những website này không phải kênh bán hay đối tác chính thức của hãng, hành khách mua vé từ đây sẽ không được bảo đảm quyền lợi, có thể mua phải vé giả, vé bị nâng giá… Do đó, hành khách nên mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức của các hãng và yêu cầu xuất hóa đơn theo quy định…

Bamboo Airways cho biết thêm các đại lý uỷ quyền chính thức của hãng đều có chứng nhận, giấy tờ cam kết của hãng.

Cũng trong ngày 15/12, ghi nhận từ các hãng hàng không, lượng khách đặt vé máy bay dịp Tết Nguyên Đán 2021 đang tăng mạnh.

Đại diện Bamboo Airways cho biết có gần 1 triệu vé máy bay Tết được tung ra trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên Đán 2021 từ 27/1 đến 28/2 (tức 15 tháng Chạp đến 17 tháng Giêng).

Đến giờ, hãng đã bán ra trên 70% số lượng vé Tết. Những chặng có lượng khách đặt mua nhiều là giữa TP HCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Vân Đồn, Đà Nẵng…, và chặng Hà Nội đi Buôn Mê Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt…

Minh Châu

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh báo tình trạng website giả mạo, lừa đảo bán vé máy bay dịp Tết
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác