Print Chủ Nhật, 05/01/2020 05:12 Gốc

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích rất đáng lo ngại, trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông. Do đó, Ủy ban ATGT quốc gia đã xây dựng kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề “Ðã uống rượu, bia không lái xe” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, nhìn chung trong năm 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự ATGT đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo đó, năm 2019 (tính từ ngày 16-12-2018 đến 14-12-2019), cả nước đã xảy ra hơn 17 nghìn vụ TNGT, làm chết hơn 7.600 người, bị thương hơn 13 nghìn người. So cùng kỳ năm 2018, TNGT giảm hơn 1.200 vụ, giảm gần 600 người chết và hơn 1.200 người bị thương. Năm 2019, số người chết giảm sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay. Sau 20 năm, số người chết do TNGT năm nay đã được kéo xuống bằng con số của năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp chín lần. Tuy nhiên, tình hình ATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là TNGT liên quan xe chở khách, xe tải nặng; do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên; trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát và các đợt khám sức khỏe bắt buộc, tỷ lệ còn thấp so với thực tế. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chủ xe khoán trắng cho lái xe thông qua doanh thu theo đầu phương tiện, nhất là đối với lái xe ô-tô tải. Tình trạng “xe dù, bến cóc” tăng mạnh, gây mất ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định.

Cảnh báo tình trạng lái xe dùng chất kích thích
Cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Theo nhận định của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hiện nay, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao trên các tuyến giao thông trọng điểm. Việc dừng, kiểm tra các phương tiện xe trọng tải lớn trong thời điểm mật độ phương tiện cao cũng như yêu cầu lái xe hạ tải, san tải hết sức khó khăn vì không có phương tiện chuyên dụng. Công tác kiểm tra, kiểm soát vận tải, trọng tải ở các kho cảng, bến bãi chưa hiệu quả. Vào ban đêm, xe tải hoạt động trên các tuyến quốc lộ thường đi với vận tốc rất cao, việc dừng xe xử lý cũng tiềm ẩn nguy hiểm đối với lực lượng làm nhiệm vụ.

Tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích còn rất đáng lo ngại trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông và các đợt khám sức khỏe tập trung do ngành giao thông thực hiện, tỷ lệ còn thấp so với thực tế. Trong khi đó, số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng, nhất là các dịp cao điểm; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe… còn diễn ra khá phổ biến. Công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải (GTVT) còn nhiều hạn chế, sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, lực lượng có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lái xe, dữ liệu về ATGT giữa ngành công an và GTVT.Tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước để xảy ra vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng ảnh hưởng đến ATGT còn diễn ra phổ biến, nhất là dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm và trong đô thị lớn.

Trước tình hình nêu trên, Ủy ban ATGT quốc gia đã xây dựng kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề “Ðã uống rượu, bia không lái xe” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông về chấp hành pháp luật trật tự ATGT, nhất là các quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Việc tăng mức xử phạt trong bối cảnh Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực và từ thực tế có quá nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông thời gian qua, là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này hiệu quả đến đâu vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Vì thế, với thông điệp “Ðã uống rượu, bia không lái xe”; các nghị định thay thế Nghị định số 46/2016/NÐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT đường bộ và đường sắt, nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NÐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô… được kỳ vọng sẽ là những giải pháp “mạnh tay” để hạn chế hành vi lạm dụng rượu, bia khi lái xe.

Năm 2020, Ủy ban ATGT quốc gia cũng đưa ra mục tiêu giảm TNGT từ 5 đến 10% ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, người bị thương so năm 2019; giảm số TNGT do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT sẽ được huy động, xử lý nghiêm vi phạm; tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT và ùn tắc như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cơ giới; vi phạm quy định về tải trọng; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra TNGT hoặc ùn tắc, không để phát sinh ùn tắc kéo dài…

TRANG LY

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh báo tình trạng lái xe dùng chất kích thích
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác