Print Thứ sáu, 29/03/2024 09:35 Gốc

Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiêu trò mua bán combo du lịch giá rẻ là miếng mồi béo bở cho các đối tượng lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản.

Chị Thuỳ Linh (Hà Nội) – nạn nhân bị lừa mua combo du lịch qua hội nhóm Facebook.

Đối tượng “bốc hơi” sau khi nhận đặt cọc

Dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5 dài khiến nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm những chiêu thức lừa đảo combo du lịch giá rẻ “nóng” trở lại.
Nhóm đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý săn giá rẻ của du khách để đăng tải bài quảng cáo tour du lịch, phòng khách sạn với mức ưu đãi khủng nhưng giá “mềm”. Khi khách hàng có mong muốn mua dịch vụ, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (khoảng từ 50 – 100% giá trị).

Chị Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) háo hức chuẩn bị và dành dụm tiền cả năm cho chuyến đi du lịch với gia đình. Với mong muốn tìm được combo trọn gói giá rẻ, người phụ nữ này tham gia vào các hội nhóm trên các trang mạng.

Ngay sau đó chị chú ý đến một bài đăng chào bán combo Sa Pa trọn gói với mức chi phí rẻ. Chỉ 5 triệu đồng gói 3 ngày 2 đêm cho 4 người với đầy đủ tiện nghi hấp dẫn – mức giá này chỉ bằng một nửa chi phí thông thường.

Sau khi trao đổi, người bán yêu cầu chị chuyển khoản 100% số tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân và hứa hẹn sẽ gửi mã đặt xe, phòng khách sạn qua email. Không một chút nghi ngờ, chị nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu nhưng không lường trước việc bị lừa mất trắng. Tài khoản mạng xã hội của các đối tượng đột nhiên bốc hơi không dấu vết.

‘‘Ngay sau khi chuyển khoản toàn bộ số tiền đặt combo thì tài khoản facebook đó đã bất ngờ chặn tôi’’ – chị Linh nói.

Không chỉ riêng trường hợp của chị Thùy Linh, rất nhiều khách hàng cũng không may ‘‘sập bẫy’’ của các đối tượng lừa đảo.

Chị Vân Anh (Hàng Bột, Hà Nội) bức xúc chia sẻ, dù đã rất cẩn thận nhưng thủ đoạn của các đối tượng quá tinh vi khiến số tiền tích góp đi du lịch bấy lâu không cánh mà bay.

Trong quá trình giao dịch, để tăng độ tin cậy các đối tượng này đã chủ động gửi hình căn cước công dân (trùng tên Facebook cá nhân), giấy phép kinh doanh và hình ảnh những giao dịch đã thành công trước đó. Nhận thấy đủ tin tưởng, người phụ nữ này ngay lập tức chuyển khoản số tiền 4 triệu đồng để đặt cọc combo.

Những ngày sau chị Vân Anh không nhận được email xác nhận hay code vé từ các đối tượng. Quá lo lắng, chị cố gắng liên lạc song không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Ngã ngửa khi nhận ra mình bị lừa, người phụ nữ này ngay lập tức làm đơn tố cáo tới Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với hy vọng được hoàn lại số tiền đã mất. Tuy nhiên các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, khó lòng truy vết.

Bằng chứng chuyển khoản cọc của nạn nhân bị lừa mua combo du lịch giá rẻ. Ảnh: Huyền Trang

Chiêu trò đến hẹn lại lên

Về tình trạng nhức nhối trên, ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban Truyền thông – Chuyển đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, chiêu trò lừa bán combo du lịch ngày càng trở nên tinh vi.

‘‘Giá dịch vụ dịp lễ của các cơ sở cao hơn gấp nhiều lần ngày thường nên người dân muốn tìm đến mức giá rẻ thông qua combo trọn gói’’ – ông Hoan nhận định.

Ông Hoan cũng khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo mua bán combo du lịch dịp lễ, người dân cần tìm hiểu và mua bán thông qua các kênh/website chính thống hoặc đến trực tiếp các cơ sở kinh doanh dịch vụ để đặt mua.

Đồng thời khi thanh toán chuyển tiền phải đặc biệt lưu ý thanh toán qua các pháp nhân có tên tuổi cụ thể, kiểm tra kỹ trước khi chuyển tiền qua các tài khoản cá nhân.

‘‘Khi có kế hoạch đi du lịch nên sắp xếp đặt mua những dịch vụ từ sớm, không nên để đến sát ngày rồi vội vàng đặt những combo không đảm bảo uy tín trên các hội nhóm’’, ông Hoan đánh giá.

Và đặc biệt khi phát hiện lừa đảo, người dân hãy nhanh chóng trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất, đồng thời công khai thông tin và tố cáo những hành vi vi phạm để những khách hàng khác không trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo này.

Để tránh mua phải combo lừa đảo dịp lễ, Bộ Công an khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch. Đặc biệt chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền.

HUYỀN TRANG

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh báo sập bẫy lừa đảo ‘‘combo du lịch giá rẻ’’ dịp lễ 30.4 – 1.5
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác