Với hàng chục điểm sạt lở đất đồi, núi sau khi bão số 3 đi qua và một số điểm đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân, hiện, quận Đồ Sơn tập trung cao thực hiện các phương án phòng, chống sạt lở và cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm.
Nhiều điểm sạt lở
Phường Hải Sơn là địa phương xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhất trên địa bàn quận Đồ Sơn, với 9 điểm sạt lở đất, đá sau bão số 3, trong đó có 6 điểm trên đường Lý Thái Tổ thuộc Tổ dân phố Cầu Vồng, 3 điểm trên đường Lý Thánh Tông thuộc Tổ dân phố Chẽ và Nguyễn Hữu Cầu, khu vực Công viên Hải Sơn, ngõ 141 và ngõ 167. Đáng lưu ý, tại các điểm cao 92, 86 xảy ra hiện tượng đất, đá rơi và nhiều khả năng nghiêm trọng hơn nếu có các đợt mưa lớn, kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày.
Vạn Hương là phường có số điểm sạt lở nhiều thứ 2 của quận Đồ Sơn khi các cơ quan chức năng ghi nhận có 4 điểm sạt lở đất, đá gồm khu vực chùa Hang và sườn đồi phía Nam điểm cao 86. Đáng chú ý, ngay phía trên chùa Hang, xuất hiện điểm sạt lở kèm theo nguy cơ đất, đá rơi xuống chùa khi xuất hiện mưa to, gió lớn. Còn tại phường Ngọc Xuyên, quyền Chủ tịch UBND phường Đỗ Xuân Hùng thông tin: phường xuất hiện 1 điểm sạt lở tại khu vực phía sau trụ sở cũ của Ban Chỉ huy quân sự quận Đồ Sơn, thuộc tổ dân phố Ngọc Sơn. Trước đó, tảng đá có kích thước rộng 2 m, dài 3 m, cao 1 m từ trên đỉnh đồi lăn xuống sát dãy nhà làm việc của đơn vị nhưng không gây thiệt hại về người. Dự báo, khu vực này nguy cơ cao tiếp tục sạt lở. Được biết, cuối tháng 9/2024, UBND quận Đồ Sơn mời đoàn chuyên gia của Đại học Mỏ – Địa chất do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn, tiến hành khảo sát tại các điểm sạt lở trên địa bàn các phường: Ngọc Xuyên, Vạn Hương và Hải Sơn. Sau khi khảo sát, Đoàn đưa ra một số tư vấn đối với quận nhằm thực hiện những giải pháp khắc phục mang tính lâu dài; bảo đảm an toàn đối với người dân.
Trước mắt, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự quận Đồ Sơn yêu cầu UBND các phường tập trung cao công tác phòng, chống sạt lở; chủ động thực hiện các biện pháp như căng dây, đặt biển cảnh báo để người dân biết và không đến gần vùng nguy hiểm. Ban Chỉ huy quân sự các phường phân công lực lượng dân quân ứng trực 24/24 giờ trong những ngày mưa lớn kéo dài; bố trí lực lượng chốt, chặn, tuần tra canh gác, kiểm soát không cho người ra vào tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ sạt lở cao; sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, vật tư thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong triển khai phương án phòng, chống sạt lở… Trên cơ sở đó, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan khi xảy ra sự cố.
Chủ động ứng phó
Đến thời điểm này, phường Vạn Hương có 5 hộ dân đang ở nhờ nhà người thân do bị đất, đá trên núi đổ xuống, đè vào nhà làm hư hỏng nặng sau bão số 3. Với nguy cơ cao tiếp tục đối mặt tình trạng sạt lở trong thời gian tới, chính quyền địa phương kiên quyết không chấp thuận để các hộ tiến hành sửa chữa nhà cửa để tiếp tục sinh sống. Phó chủ tịch UBND phường Vạn Hương Đinh Xuân Thủy cho biết, phường đã đề xuất quận Đồ Sơn hỗ trợ kinh phí đối với 5 hộ dân xây nhà tại địa điểm mới, khi đầy đủ các điều kiện cần thiết.
Bên cạnh hỗ trợ tối đa các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá chủ động tạm lánh, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi có mưa lớn và kéo dài nhiều ngày, UBND phường Hải Sơn yêu cầu ủy ban MTTQ phường và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và người dân chấp hành các biện pháp chủ động phòng, tránh tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Phó chủ tịch UBND phường Hải Sơn Lưu Văn Quân thông tin, phường thường xuyên phát các cảnh báo về nguy cơ sạt lở trong những ngày mưa lớn trên hệ thống phát thanh; hướng dẫn người dân khi phát hiện có sự cố sạt lở xảy ra phải thông tin tới người chung quanh biết để thoát nạn, nhanh chóng báo ngay UBND phường để được hỗ trợ kịp thời. Đối với các cá nhân, hộ gia đình không chấp hành, UBND phường và các cơ quan liên quan sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận Đồ Sơn trong các tháng cuối năm 2024 nêu rõ, ưu tiên công tác phòng, chống nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên địa bàn; thực hiện nghiêm phương án tạm lánh, di dân đối với các khu vực sạt lở nguy hiểm. Ngoài lực lượng tại chỗ của 3 phường, UBND quận Đồ Sơn yêu cầu các lực lượng như Ban Chỉ huy quân sự quận, Công an quận, Trung tâm Y tế quận… sẵn sàng ứng trực 24/24 giờ trong trường hợp xảy ra sạt lở lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Đối với kiến nghị của UBND quận Đồ Sơn liên quan đến tình trạng sạt lở núi, sau khi kiểm tra hiện trường một số điểm sạt lở trên địa bàn quận, nghe báo cáo của chính quyền địa phương, trong Thông báo số 532/TBVP ngày 29/10/2024 của UBND thành phố, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố giao UBND quận Đồ Sơn chủ trì cùng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố; các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát, đề xuất phương án xử lý và nguồn vốn để thực hiện, báo cáo UBND thành phố trong thời gian tới.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC