Print Thứ Bảy, 08/04/2023 11:15 Gốc

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố và một số tỉnh ven biển phía Bắc xảy ra các ca ngộ độc sau khi ăn cá nóc, so biển và một số thủy, hải sản khác. Vụ việc trên một lần nữa cảnh báo nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân các địa phương vùng ven biển. Bác sĩ NGUYỄN VĂN TOẢN, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố trao đổi để thông tin rõ hơn các trường hợp ngộ độc này.

Đề nghị ông cho biết cụ thể hơn các ca ngộ độc hải sản tại một số tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc thời gian gần đây?

Trên địa bàn huyện Cát Hải vừa xảy ra một số ca ngộ độc thực phẩm do ăn cá nóc. Trong đó, có 1 trường hợp sau khi ăn cá nóc 1,5 giờ đồng hồ bị tê lưỡi, tê tay chân, nói ngọng, được xử trí cấp cứu ban đầu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Trước đó, trên địa bàn huyện từng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ở xã Hoàng Châu do so biển. Cụ thể, hai người đàn ông ăn so biển và khoảng 1 giờ sau cả hai có các triệu chứng: Nôn, đau đầu, tê đầu lưỡi và đầu chi. Cả hai người bệnh được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đôn Lương, xử trí sơ, cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng một trong hai trường hợp tử vong. Mới đây, tại tỉnh Quảng Ninh, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng cấp cứu thành công trường hợp ngộ độc nguy kịch, suy hô hấp biến chứng ngừng tuần hoàn sau khi ăn so biển.

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc sau khi người dân ăn so biển, cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, một số loài ốc biển…, nhất là vào mùa sinh sản của chúng (từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm) là bởi các loại động vật này có chứa độc tố Tetrodotoxin, nhất là ở trứng, gan, tụy, ruột, mật, máu, da, đầu. Sau khi người dân ăn phải động vật có chứa độc tố này, chất độc tác động lên thần kinh trung ương, có khả năng gây liệt cơ, nhất là liệt cơ hô hấp, có thể gây tử vong nhanh chóng. Đáng chú ý, độc tính này không bị phá hủy bởi nhiệt, vì vậy, dù có nấu chín, đun sôi, người ăn vẫn có nguy cơ bị ngộ độc cao.

Trước tình trạng xảy ra các ca ngộ độc hải sản kể trên, Chi cục tham mưu Sở Y tế chỉ đạo triển khai các giải pháp cảnh báo, ngăn chặn nào?

Chi Cục tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản đề nghị UBND huyện Cát Hải chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới ngư dân, nhân dân vùng ven biển, khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về cách phòng ngừa ngộ độc do cá nóc, so biển và một số loài động vật biển khác chứa độc tố Tetrodotoxin. Nội dung tuyên truyền chú trọng vào cách nhận biết cá nóc, so biển, một số loài ốc biển chứa độc tố; triệu chứng ngộ độc; cách xử lý khi xảy ra ngộ độc, số điện thoại liên hệ của cơ sở y tế gần nhất trên địa bàn. Đồng thời, Sở đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện sơ, cấp cứu; sẵn sàng tiếp nhận, điều trị đối với các ca ngộ độc thực phẩm do cá nóc, so biển và một số loài hải sản chứa độc tố. Khi tiếp nhận, điều trị phải có báo cáo ngộ độc thực phẩm kịp thời về Sở Y tế.

Ngành Y tế phối hợp các cơ quan báo chí thành phố đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cách phòng ngừa ngộ độc do cá nóc, so biển và một số loài hải sản chứa độc tố tới ngư dân, nhân dân vùng ven biển, khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong thời điểm mùa du lịch biển đang đến gần.

Để phòng, tránh nguy cơ ngộ độc từ các loại hải sản này, bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân?

Chúng tôi khuyến cáo người dân cần nâng cao hiểu biết, ý thức tuyệt đối không ăn những loại hải sản sắc màu bắt mắt, nhất là so biển, cá nóc và một số loại ốc biển. Khi sơ chế, chế biến hải sản, tuyệt đối không dùng chung dụng cụ chế biến cá nóc; tuyệt đối không để lẫn cá nóc với các loại cá thường, không phơi khô cá nóc lẫn cá tạp để bán. Khi đánh bắt được những hải sản có màu sắc sặc sỡ hoặc có hình thù không bình thường và không biết rõ nguồn gốc thì tuyệt đối không ăn hoặc đem bán.

Khi phát hiện người bị ngộ độc khi ăn phải các loại động vật này với các triệu chứng: Nôn mửa, tê môi, miệng, chân tay, lơ mơ, choáng váng, mệt mỏi toàn thân…, người dân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời. Hiện, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các loại ngộ độc này, các bệnh viện chủ yếu điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế, như: Giảm hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt tính, thuốc nhuận tràng, kiểm soát các chức năng hô hấp, tuần hoàn và các cơ quan khác chờ độc tố đào thải. Tiên lượng hồi phục ở những người bệnh này rất khả quan nếu được cấp cứu kịp thời.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hoàng (thực hiện)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh báo nguy cơ ngộ độc một số loại hải sản
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác