Print Thứ năm, 02/02/2023 16:00 Gốc

Nhiều phụ huynh thấy con bị tiêu chảy đã tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ sử dụng. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, hành động này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) vừa tiếp nhận trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng ngất lịm do tiêu chảy, tại đây bác sĩ chẩn đoán trẻ hôn mê nghi viêm não.

Theo gia đình bé H.A.D, địa chỉ tại phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) về quê ngoại ở Hải Phòng ăn tết, vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán cả nhà đang vui vẻ thì bé H.A.D bị tiêu chảy, gia đình ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc cầm cho bé uống 1 viên. Bốn giờ sau bé lịm dần, gia đình đã đưa cháu vào khoa Thần kinh, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, tại đây các bác sĩ chẩn đoán cháu hôn mê nghi viêm não.

Cháu H..A.D được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, khi tiếp nhận bé nhập viện, bác sỹ trực khoa Thần kinh của bệnh viện với sự nhạy bén và kinh nghiệm đã hỏi kỹ gia đình và được mẹ bé cho biết đã cho con uống Loperamid (thuốc này cấm dùng cho trẻ nhỏ). Chậm một vài giờ nữa là bé có thể ngưng thở, thở máy, đe dọa tính mạng. Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển ngay sang Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện. Ngay sau đó, kíp nhân viên trực thực hiện rửa dạ dày, truyền dịch và tiêm thuốc giải độc. Sau 2 tiếng cháu bé đã tỉnh và gọi “mẹ”. Hiện cháu đã ra viện, sức khỏe ổn định.

Trường hợp chị N.Q.H ở huyện Tiên Lãng chia sẻ, sau 2 ngày đi du lịch cùng gia đình, con trai chị có biểu hiện đau bụng. Lo lắng vì thấy con đi ngoài 4 lần trong buổi sáng, chị H vội vàng đi mua thuốc cầm tiêu chảy cho con. Cũng giống như người mẹ này, nhiều phụ huynh khi thấy con gặp phải tình trạng này, sợ trẻ bị mất nước, mệt lả đã vội tìm cách cầm tiêu chảy cho trẻ.

Về vấn đề này, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho hay, tiêu chảy ở trẻ em đa phần do nhiễm trùng đường ruột. Đi ngoài phân lỏng cũng là cách giúp trẻ thải trừ vi trùng, chất độc ở đường ruột. Trong khi đó, các thuốc cầm tiêu chảy có tác dụng làm giảm nhu động ruột, liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài trong khi trẻ vẫn mắc bệnh. Nếu phân ứ lại trong ruột sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ do nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị tiêu chảy cần được theo dõi chặt chẽ số lần, số lượng, màu sắc phân, khả năng ăn uống… của bé để có thể kịp thời điều trị. Tình huống nguy hiểm nhất trẻ có thể gặp phải khi bị tiêu chảy là mất nước và muối. Trẻ có thể tử vong nếu bị mất nước nặng mà không được bù nước điện giải kịp thời.

Y, Bác sĩ Bệnh viên Trẻ em Hải Phòng chăm sóc bệnh nhi điều trị tại bệnh viện.

Để tránh gặp phải tình trạng này, cha mẹ nên cho trẻ uống thêm nhiều nước, nước khoáng, nước dừa tươi… Lưu ý, nếu sử dụng dung dịch oresol, cha mẹ cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Trẻ bị tiêu chảy càng cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng cữ hoặc thay đổi chế độ ăn.

Trong trường hợp trẻ không ăn được nhiều do mệt vì mất nước, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và lựa chọn các món lỏng, mềm. Nếu trẻ nôn, cha mẹ có thể cho con ăn lại sau khoảng 30 phút.

Nếu trẻ sốt cao, kèm quấy, khó chịu nhiều… cần được uống thuốc hạ sốt, liều lượng tùy thuộc vào cân nặng. Ngoài ra, trẻ có thể uống men vi sinh giúp tăng cường miễn dịch của hệ tiêu hóa đường ruột, thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, từ đó rút ngắn thời gian bệnh. Đồng thời, phụ huynh có thể kết hợp bổ sung kẽm cho trẻ giúp trẻ ăn ngon hơn và ngăn chặn nguy cơ suy dinh dưỡng do tiêu chảy cấp.

Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng lưu ý thêm chỉ sử dụng kháng sinh khi trẻ bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn gây ra. Để xác định tình trạng này, trẻ cần phải được bác sĩ khám hoặc xét nghiệm phân, không nên tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có kết luận chính xác.

Ngoài ra, các bác sĩ tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cũng lưu ý, đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế nếu sau 3 ngày không đỡ hoặc có một trong các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần hơn, phân nhiều nước, nôn liên tục, khát nhiều, khóc không thấy nước mắt, mắt hõm sâu, tiểu tiện ít, ăn hoặc uống kém, sốt hoặc có máu trong phân.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo thêm để tránh phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như không ăn các loại thịt sống, thịt chưa chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn; rửa tay trước khi chế biến món ăn và trước khi ăn; uống nước chín; vệ sinh kỹ dụng cụ ăn của trẻ. Trong thời gian cho con bú, mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt. Ngoài ra, nên cho trẻ dưới 5 tuổi uống vắc xin phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus, nguyên nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến hàng đầu hiện nay.

VŨ DUYÊN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh báo mối nguy hiểm khi lạm dụng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác