Vừa qua, khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vừa tiếp nhận một trường hợp nhiễm trùng sau bỏng do thầy lang chỉ định đắp thuốc nam chữa trị tại nhà.
Bệnh nhi Nguyễn Trí K, 6 tháng tuổi, ở Tân Dương, huyện Thủy Nguyên bị bỏng do nước sôi đổ vào người, sau tai nạn, thân mình, 2 tay, đùi trái bị vết bỏng phồng bọng nước lớn, trợt da, đỏ da. Bệnh nhân đã tìm đến thầy lang gần nhà để điều trị bằng cách đắp thuốc nam. Tuy nhiên bệnh không khỏi mà vùng bỏng sưng nề, tấy đỏ có vết loét rộng, chảy dịch mủ và dính nhiều loại thuốc màu đen trên bề mặt vết bỏng, tình trạng mỗi lúc một nặng nên được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân có diện bỏng rộng khoảng 20% diện tích cơ thể, có dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ và nguy cơ nhiễm trùng huyết cao. Bệnh nhân được xử trí làm sạch dịch mủ tại vị trí bỏng, đồng thời điều trị toàn thân, truyền kháng sinh, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau, thay băng. Sau 8 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã phục hồi rất tốt, diện bỏng đã khô hoàn toàn không để lại di chứng sau bỏng.
Tác hại của việc chữa bỏng không đúng cách
Theo Ths Bs.CKII. Đặng Quốc Hùng, Trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi, bỏng lửa, bỏng hóa chất… Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như mặt, ngực, bụng, chân, bàn chân, lưng, cánh cẳng tay, bàn tay… ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, để lại những di chứng nặng nề.
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị bỏng nhưng không đến cơ sở y tế mà tin theo lời mách dùng thuốc nam đắp vào vết bỏng và để lại hậu quả nặng nề, thế nhưng dường như những cảnh báo ấy vẫn chưa đủ mạnh bởi vẫn còn rất nhiều trường hợp bị bỏng biến chứng nặng chỉ vì tin theo lời mách và tin đồn.
Khi bị bỏng, nếu không được chữa trị đúng cách bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, khi bị bỏng cần đến bệnh viện xử lý vết thương ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Cách xử trí đúng khi bị bỏng
Nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch
Thời điểm ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30 phút từ sau khi bị bỏng. Sau khoảng thời gian trên, việc ngâm rửa ít có tác dụng.
Nước để ngâm rửa phải là nước sạch, nhiệt độ tiêu chuẩn là từ 16-20 độ C. Nếu trong trường hợp cấp cứu nên cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn, tốt nhất là nguồn nước sạch nếu có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng khoan…
Tuyệt đối không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho nạn nhân.
Có thể ngâm rửa phần bị bỏng dưới vòi nước chảy hoặc ngâm trong chậu nước mát hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt dội rửa liên tục nước sạch lên vùng bỏng.
Thời gian ngâm rửa thường tới khi hết đau rát trong khoảng 15-40 phút. Chú ý không làm trợt vỡ vòm nốt phỏng.
Che phủ tạm thời vết bỏng
Che phủ vùng bỏng bằng vật liệu sạch: gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn… sạch để quấn phủ lên, sau đó băng ép nhẹ bằng băng sạch. Tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng. Không bôi bất cứ loại thuốc hay hoá chất nào lên vùng bị bỏng.
Bù nước, điện giải sau bỏng
Cho uống nước Oresol nếu nạn nhân không nôn, không chướng bụng, vẫn tỉnh táo. Có thể cho uống nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước hoa quả, nếu là trẻ nhỏ vẫn cho trẻ bú bình thường.
Nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất nếu nạn nhân bỏng nặng
Chú ý nếu bệnh nhân bỏng nặng cần vận chuyển bằng cáng, bằng ô tô. Nếu bỏng kết hợp với chấn thương, gãy xương cần cố định tạm thời vùng chấn thương và xương bị gãy trước khi vận chuyển. Nếu bỏng kèm theo chấn thương cột sống: vận chuyển bệnh nhân trên ván cứng, cố định đầu.
Không gì vui hơn khi nhìn thấy các cháu bé khỏi bệnh và xuất viện. Cũng không có gì quý bằng tình cảm của gia đình dành cho những người Thầy thuốc.
Dưới đây là lá thư tâm huyết của gia đình người bệnh dành cho các Y Bác sĩ khoa Ngoại Chấn thương nơi cháu bé chữa trị vết thương.
Khoa Ngoại chấn thương. Biên tập: Phòng Công tác xã hội