Nói về biến động giá lợn thịt, cụm từ “khủng hoảng” đã được dùng tại một số văn bản điều hành và cả diễn đàn Quốc hội, cho thấy mức độ ảnh hưởng của mặt hàng này trong suốt thời gian dài. Ngược dòng thời gian, lợn thịt khủng hoảng giá vào cuối năm 2016, đến nay đã là 6 năm, có lẽ trên thị trường khó tìm mặt hàng thiết yếu nào lại có quãng biến động kéo dài như vậy.
Trước hết là quá trình “thủng đáy” trong năm 2017, khi giá lợn thịt liên tục lao dốc, có thời điểm giảm tới 25% trong vòng một tuần, thực sự trở thành nỗi khủng khiếp đối với người chăn nuôi. Trên địa bàn Hải Phòng, thời điểm thấp kỷ lục được tính ở mức giá lợn hơi chỉ 15.000 đồng/kg, còn giá thịt có lúc xuống tiệm cận trên dưới 30.000 đồng/kg. Giá lợn thịt lao dốc làm xáo trộn thị trường, khiến nhiều mặt hàng thực phẩm cũng bị lao đao, kể cả khi cả nước chung tay “giải cứu”, hiệu quả cũng không mấy tích cực.
Bước sang năm 2018, khi nguồn lợn thịt trong nước bắt đầu cạn, nhiều chủ trang trại, gia trại hoặc đuối sức, hoặc choáng váng chưa kịp hoàn hồn để nghĩ đến chuyện tái đầu tư, thì giá lợn thịt bất ngờ quay đầu tăng, tốc độ “leo thang” cũng không kém khi “lao dốc”.
Rồi liên tục từ đó đến nay, nỗi buồn mang tên lợn thịt vẫn tiếp diễn, và theo quy luật cung cầu, khi mất cân đối nghiêm trọng thì hậu quả không thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Hơn nữa, sau mỗi lần nguồn lực chăn nuôi gặp “vấn đề”, có người nản không muốn đầu tư, có người lại muốn đầu cơ, nhưng “điểm rơi” của thị trường rất khó dự báo, rủi ro cũng rất dễ xảy ra.
Những tưởng nỗ lực cộng hưởng trong việc tái tạo đàn lợn sẽ đưa nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu trở lại quỹ đạo bình ổn. Nhưng dịch bệnh đã như dầu đổ lửa, khiến thị trường lợn thịt ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng. Đầu tiên là đợt dịch tả châu Phi hoành hành ở Việt Nam năm 2019 không chỉ khiến người chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp, gây khó khăn cho nguồn cung thực phẩm của thị trường, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái tạo nguồn lực bổ sung.
Tiếp đó, từ 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên diện rộng, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến lưu thông nguồn nguyên liệu, nguồn giống phục vụ chăn nuôi, đồng thời cũng ảnh hưởng đến phạm vi trao đổi, tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền, lợn thịt đã khó càng thêm khó. Trong bối cảnh đó, vai trò của một số ngành quản lý chuyên trách lại thể hiện có phần thiếu tích cực, trong tình cảnh “cộng quản”, đến nỗi câu chuyện giá lợn thịt đã trở thành đề tài bàn thảo nhiều lần tại Quốc hội, và Thủ tướng Chính phủ đích thân chỉ đạo điều hành mặt hàng này, điều hiếm thấy trong tiền lệ.
Dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ, cùng với tăng cường tái tạo đàn lợn, Việt Nam đã nhập khẩu liền lúc cả thịt đông lạnh và lợn sống, lợn giống, đã mang lại hiệu quả khá tích cực. Sau nhiều nỗ lực từ các chính sách cũng như quá trình vận động của thị trường, thời gian qua thị trường lợn thịt đã từng bước được thiết lập trật tự.
Tuy nhiên bước sang năm 2022, thị trường Việt Nam và thế giới diễn biến phức tạp, nhất là từ khi xảy ra cuộc chiến Nga-Ukaraine, khiến giá dầu, vàng và ngoại tệ leo thang chóng mặt. Riêng mặt hàng lợn thịt tại thị trường Việt Nam lại bước vào đợt tăng giá mới, liên tục và với cường độ cao, xuất phát từ mức giá bình quân 50 nghìn đồng/kg với lợn hơi và 90 nghìn đồng/kg với thịt lợn. Đặc biệt trong một tháng trở lại đây, giá lợn thịt tăng bứt tốc, nguồn cung ngày càng giảm, phát lộ dấu hiệu tái khủng hoảng của mặt hàng này.
Theo ông Đào Quang Đại, một tiểu thương ở Kiến Thụy chuyên đưa lợn thịt và bán trong nội thành, hiện giá lợn hơi đã lên tới gần 80 nghìn đồng/kg, ngay với mức giá thời điểm đầu năm 2021, tương ứng mức tăng gần 60% so với đầu năm. Còn giá thịt lợn bán lẻ cũng đang được bán với mức bình quân 125 nghìn đồng/kg, tương ứng mức tăng gần 40% so với đầu năm 2022.
Điều đáng nói, nếu như trước đó giá lợn thịt tăng cùng với nhiều nhóm hàng thiết yếu khác, nguyên nhân được cho là ảnh hưởng của giá xăng dầu. Nhưng diễn biến mới cho thấy, khi giá xăng dầu giảm mạnh trong tuần qua thì giá lợn thịt vẫn tiếp tục tăng, thậm chí tăng mạnh hơn. Đây là điều hết sức đáng lưu ý, cho thấy các kênh lưu thông và quá trình cung-cầu đã phát sinh “vấn đề”.
Theo đà tiêu cực này, nếu việc tái tạo đàn lợn không được đẩy mạnh, kết hợp nguồn nhập khẩu tiếp diễn, thì rất có thể trong thời gian tới thị trường sẽ tái diễn cảnh khủng hoảng của lợn thịt.
Cho thấy vai trò của các ngành quản lý, nhất là ngành nông nghiệp và công thương là hết sức quan trọng, đặc biệt là cần tìm đúng nguyên nhân biến động, để bảo đảm lợi ích của nhà sản xuất, nhà kinh doanh cũng như của người tiêu dùng.
Quan trọng hơn là tránh một đợt khủng hoảng mới tái hiện, nhất là thời gian tới khi thị trường đang đi nhanh về cuối năm, tiếp cận dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Lê Minh Thắng
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…
Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…
Sáng 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn chung, nhưng…
Cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng hành hung cảnh sát giao thông…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More