Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện các video “Skibidi Toilet” mô tả hình ảnh một chiếc đầu người mọc ra từ bồn cầu với lượt truy cập xem cao. Các video này xoay quanh cuộc chiến giữa Skibidi Toilet, một nhân vật được cho là đang xâm chiếm và thống trị Trái Đất, và CameraHead (TV Cameramen), một loài được cho là do con người tạo ra. Mỗi video có thời lượng ngắn, khoảng 1 phút, được thiết kế với hình ảnh bắt mắt, âm nhạc sôi động, thu hút sự chú ý của trẻ em và dễ gây nghiện với chúng.
Đáng nói, các video về Skibidi Toilet đều có nội dung xoay quanh các nhân vật quái vật, ma quỷ, bạo lực, thậm chí là máu me… với những lời thoại, hành động dễ gây kích động, không phù hợp với trẻ em. Điều đáng lo ngại là nhiều trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi những nội dung độc hại này.
Theo chia sẻ của chị Phan T.H., phụ huynh cháu Đ. (9 tuổi) và cháu Q. (6 tuổi), ở phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thời gian gần đây, chị thấy 2 con thường xuyên lắc đầu một cách rất khó hiểu, thậm chí còn có những điệu nhảy rất kì quặc. Không những thế, đôi khi trong lúc chơi, con còn thường xuyên hát lớn cụm từ “Skibidi dop dop yes yes” với vẻ mặt đầy hung hăng. Sau khi hỏi, chị H. được biết các con đã xem và học theo những hành động trong các video có chủ đề về Skibidi Toilet.
“Âm thanh vui nhộn, hình ảnh hoạt hình bắt mắt và các hành động kỳ dị khiến các con rất thích thú. Đây chính là căn nguyên cho các hành động lắc đầu, những câu nói lặp đi lặp lại “ma bồn cầu”, “quỷ đầu loa” hay những biểu cảm lạ của các con”, chị H. quan ngại.
Không riêng chị H., theo ghi nhận, các hội nhóm Facebook cũng thảo luận về vấn đề này, nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng lo lắng và bức xúc. Phụ huynh có nickname Thơm Hoài kể: “Con tôi cũng hay xem, suốt ngày vào nhà vệ sinh rồi ngóc mặt lên cho giống “Skibidi Toilet”, dù có cấm bao nhiêu lần con vẫn coi”.
Hay như một phụ huynh khác tâm sự: Gần đây con trai nói quá nhiều về quái vật đầu camera rồi bồn cầu; lúc đầu vị phụ huynh này cũng nghĩ đơn giản là vô hại, cho đến khi con trai của chị có những bức tranh vẽ có xu hướng ghê rợn, những câu nói hơi hướng bạo lực và đòi mua trang phục hóa trang để hành xử giống các video mà con xem…
Một số phụ huynh khác lại tâm sự về việc con của mình cảm thấy sợ hãi không dám tắt đèn, không dám mở cửa sổ, không dám đi vệ sinh do sợ nhân vật đầu người xuất hiện.
Không chỉ “Skibidi Toilet”, rất nhiều những video hay những kênh đội lốt “dành cho trẻ em” trên Youtube và các nền tảng mạng xã hội khác, có chứa nội dung nhảm nhí, độc hại đang được lan truyền rộng rãi, gây ảnh hưởng đến trẻ em.
Đơn cử kênh Youtube Thơ Nguyễn, trò chơi “Thử thách Momo“, kênh Timmy TV hay như những video “nhái” kênh Peppa Pig được xét duyệt lên YouTube Kids với những nhân vật dạng hoạt hình dạy trẻ cách hành xử bạo lực. Một số video về các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Elsa, Frozen, Spiderman, Dora, Barney… nhưng lại “cài cắm” một số nội dung liên quan đến tình dục, bạo lực, thậm chí ma túy và rượu đang len lỏi vào thế giới của trẻ nhỏ.
Tháng 5/2021, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và xã hội) đã đề nghị các cơ quan chức năng xóa, gỡ nhiều video của kênh Timmy TV trên Youtube. Theo đó, hàng loạt các video trên kênh này có những nhan đề hết sức rùng rợn, khiến cả người lớn cũng phải “sởn gai ốc” như: “Timmy phát hiện mẹ con chết oan“; “Timmy kể chuyện em trai giết anh ruột“; “Timmy troll biến thành xác chết nằm trong quan tài“; “Timmy kể chuyện nữ tử chết oan thế mạng“…
Để tăng sự kịch tính cho video, Timmy TV còn lồng thêm những phân cảnh nguy hiểm, gây ám ảnh cho người xem như nhân vật hoạt hình nhảy từ tầng cao xuống đất vỡ đầu, các nhân vật bắn nhau toé máu đi kèm tiếng động, lời thoại rất bừa bãi, bạo lực.
Trước đó, tháng 3/2021, các cơ quan chức năng đã mời chủ kênh YouTube Thơ Nguyễn lên làm việc vì có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan trong sản xuất nội dung trên mạng với clip “xin vía học giỏi“. Thời gian đầu, kênh này được nhiều phụ huynh yêu thích bởi các clip vui nhộn, dễ thương phù hợp với trẻ nhỏ qua các nội dung như khám phá đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, tự làm đồ chơi… song sau đó đã lệch hướng.
Đáng nói, việc ngăn chặn triệt để những nội dung không phù hợp cho trẻ em trên Internet là một nhiệm vụ khó khăn. Sau mỗi lần bị chỉ trích, các nền tảng mãng xã hội đều cố gắng gỡ bỏ những clip phản cảm hay đặt ra một số hạn chế cho các kênh để giảm thiểu những nội dung “rác“. Nhưng các clip này vẫn xuất hiện, dưới những “vỏ bọc” mới.
Điều đó không khó lý giải, bởi khi những cuộc đua về lượt xem diễn ra ngày càng khốc liệt, người dùng sẽ “không từ thủ đoạn” để tạo ra những video mang nội dung gây sốc hoặc vô bổ để kích thích tò mò. Trong khi đó, bộ lọc của YouTube Kids hay các trang mạng xã hội khác đã không thể nhận ra và loại bỏ những video “nhái” đăng tải lên; nhiều phụ huynh lại tin tưởng hoàn toàn vào kênh này, cho phép trẻ vô tư xem chương trình này.
Việc trẻ em sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet không còn quá khó khăn. Nhưng, chỉ cần người lớn lơ là, trẻ sẽ dễ bị sa lầy trong “ma trận” của thế giới ảo. Chính vì vậy, điều quan trọng hơn cả là chính cha mẹ phải ý thức được tác hại của việc cho con tiếp cận với công nghệ mà không có sự kiểm soát.
Cha mẹ cần ý thức được rằng, YouTube, Tik Tok hay bất kì một nền tảng xã hội nào khác đều không phải là môi trường an toàn tuyệt đối cho trẻ em. Mỗi bậc phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, theo dõi, kiểm soát các nội dung mà trẻ em xem trên internet để biết con mình đã tiếp xúc với những nội dung nào, từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời; bảo vệ con em mình khỏi những nguy cơ tiềm ẩn.
CẨM TÚ