Xã hội

Cảnh báo “dính bẫy” lừa đảo buôn bán người khi sang Campuchia tìm việc

Thời gian gần đây, một số người dân trên địa bàn thành phố bị lừa đưa sang Campuchia làm việc, với “lời mật ngọt” việc nhẹ, lương cao, nhưng thực chất bị lừa bán, bị cưỡng đoạt tài sản, khiến gia đình, người thân phải mất hàng trăm triệu đồng để “chuộc” về.

Mất hàng trăm triệu để “chuộc” con về

Tháng 7 vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, ở thôn Hạ Đỗ, xã Hồng Phong (huyện An Dương) phải mất hơn 200 triệu đồng mới “chuộc” được cháu T.Q.T trở về nhà. Số tiền quá lớn, chị Liên tích cóp bao năm vất vả, hằng ngày vượt hơn 20km từ xã Hồng Phong (huyện An Dương) đến chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền) bán hoa quả cũng không đủ, nên phải vay “nóng” hơn 100 triệu đồng với mức lãi suất cao. Chị Liên cho biết, cuối tháng 5/2022, cháu cùng 2 bạn khác vào thành phố Hồ Chí Minh tìm việc và bị lừa sang Campuchia. Khi được giải cứu về nhà, cháu kể được bạn bè rủ tìm việc qua mạng và gửi ảnh chứng minh thư nhân dân cho một phụ nữ ở thành phố Hồ Chí Minh mua vé máy bay. Đến đầu tháng 6/2022, gia đình nhận được tin nhắn bắt nộp tiền “chuộc” con về, vợ chồng chị Liên giật mình, biết con bị lừa bán sang Campuchia. Ngoài con chị Liên, hai bạn của cháu T.Q.T cũng bị lừa như vậy, gia đình đều mất hàng trăm triệu đồng để cứu con về. “Của đi thay người, con trai bình an trở về nhà là may mắn rồi”, chị Liên nói.

Cùng bán hàng ở chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền), tháng 4/2022, chị Hoàng Thị Thanh Vân, ở thôn Bạch Mai, xã An Đồng (huyện An Dương) mất 100 triệu đồng để “chuộc” con từ Campuchia về. Con chị là cháu Đ.Q.V, 19 tuổi, làm việc ở xưởng gỗ tại Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Qua tìm việc trên mạng, cháu bị một phụ nữ ở thành phố Hồ Chí Minh đưa sang điểm chuyên tổ chức đánh bài trực tuyến tại Campuchia, với mức lương hứa hẹn từ 800 đến 1.000 USD/tháng. Con trai chị giấu bố mẹ, đến ngày thứ 5 mới gọi điện về gia đình cầu cứu vì phải làm việc liên tục 14-15 giờ đồng hồ và không được ra ngoài.

Có thể thấy, nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia làm việc chủ yếu là người trẻ, nhẹ dạ cả tin như con chị Liên, chị Vân và thường tìm việc qua mạng xã hội. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Hải Phòng, mà ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Mới đây, Công an thành phố khuyến cáo người dân, thủ đoạn của các đối tượng là đưa ra những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, lương cao, kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thậm chí còn “ứng trước” tiền để lo chi phí xuất cảnh, khiến rất nhiều người lao động mắc bẫy. Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên không gian mạng, không cho ra khỏi cơ sở, hoặc bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác, bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc về nước với số tiền từ 3.000-30.000 USD. Cầm đầu hoạt động trái phép này là người nước ngoài, với sự tham gia, giúp sức của một số người Việt hiện đang sinh sống tại Campuchia.

Chị Liên (bên trái) vừa bán hàng vừa kể lại hành trình cứu con khỏi nhóm buôn người ở Campuchia với phóng viên Báo Hải Phòng.

Cẩn trọng khi tìm việc ở nước ngoài

Nhu cầu tìm việc làm của nhiều người dân tăng cao, nhất là sau dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, không có thứ công việc nào là “việc nhẹ, lương cao”. Đó chỉ là chiêu lừa đảo của một số người qua mạng để lừa đảo trục lợi, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, Công an thành phố đề nghị người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại… của một số người trên mạng xã hội. Trước khi xác định nhận lời đi làm, cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng đi làm việc tại đó. Khi phát hiện thông tin về đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo người thân, gia đình và kịp thời trình báo cơ quan công an để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Rút kinh nghiệm từ những vụ việc xảy ra, khi có nhu cầu đi lao động nước ngoài, người dân cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Tăng Tiến Sơn cho biết, hiện nay, giữa Chính phủ Việt Nam và Campuchia chưa có sự hợp tác chính thức về lao động, về việc làm. Việc đi lao động nước ngoài liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý, tài sản, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và an toàn của người dân. Do vậy, trước khi quyết định đi lao động nước ngoài, người dân cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng, liên hệ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; công an địa phương để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định, tránh bị các đối tượng xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố, nhiều khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp đang có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động thông qua các phiên giới thiệu, kết nối việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố. Người lao động cần tỉnh táo, tận dụng cơ hội tìm kiếm việc làm thu nhập khá tại quê nhà, tránh bị những “bánh vẽ” lừa đảo, để rồi “tiền mất, tật oan”./.

Mạnh Quang. Ảnh: Mỹ Anh

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More