Hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, thời gian qua, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Ngành y tế khuyến cáo dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng nếu người dân chủ quan, không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát thành phố Hải Phòng, trong tháng 10 năm 2022 ghi nhận 1.046 ca mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận ca tử vong, so với tháng trước số mắc tăng 517 ca. Số mắc tích lũy 10 tháng là 1.832 ca không ghi nhận ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1.807 ca. Số ca mắc ghi nhận tại 14/15 quận/huyện, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành. Các quận/huyện có số mắc tích lũy cao là Ngô Quyền (646 ca); Lê Chân (625 ca); Hải An (126 ca); Hồng Bàng (85 ca); An Dương (73 ca)…
Tại quận Ngô Quyền số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 12/12 phường trên địa bàn quận, tập trung chủ yếu ở 4 phường Đồng Quốc Bình (125 ca); Đằng Giang (121 ca); Máy Tơ (92 ca); Gia Viên (89 ca), hiện đều ghi nhận ở đây có các ổ dịch đang hoạt động.
Mới đây, bệnh nhân N.V.L, 62 tuổi khi vừa ra quận Ngô Quyền thuê trọ đi làm thì bất ngờ sốt cao liên tục 2 ngày kèm theo gai rét, đau mỏi toàn thân, ăn uống kém và vào Trung tâm Y tế quận Ngô Quyền theo dõi, điều trị. Sang ngày thứ 4 điều trị, bệnh nhân vẫn còn sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi.
“Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng ốm nhưng chưa bao giờ bị nặng, sốt cao kéo dài mấy ngày, đầu đau, toàn thân nhức mỏi như vậy”, ông N.V.L cho hay.
Cũng tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, bệnh nhi V.G.K, 4 tuổi (trú tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng) mắc sốt xuất huyết được gia đình đưa vào viện điều trị. Trước đó, bệnh nhi xuất hiện tình trạng sốt cao 38-39,5 độ liên tục kèm ho húng hắng, chảy mũi, đau đầu, mệt mỏi. Lúc đó, gia đình nghĩ trẻ bị cúm, sốt thông thường nên khi vào viện xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết thì người nhà ngạc nhiên bởi quanh hàng xóm nơi gia đình sinh sống không thấy có trường hợp nào mắc.
Cũng là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, hiện nay, quận Lê Chân có 15/15 phường trên địa bàn quận có số ca mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở các phường Hồ Nam (118 ca); Dư Hàng Kênh (102 ca); Trần Nguyên Hãn (92 ca); Nghĩa Xá (79 ca).
Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, thời gian qua, Trung tâm đã theo dõi chặt chẽ tình hình Sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo các địa phương thực hiện Công văn số 3271/SYT-TTKSBT ngày 15/9/2022 về việc tăng cường phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để triển khai các hoạt động phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue. Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Đồng thời cấp hoá chất, vật tư cho các đơn vị/địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát, điều tra véc tơ truyền bệnh, xử lý ổ dịch Sốt xuất huyết Dengue cho các cán bộ tuyến quận/huyện.
Bên cạnh đó công tác truyền thông cũng đặc biệt được đẩy mạnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình thành phố Hải Phòng, Đài phát thanh các quận/huyện tuyên truyền về phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không chủ quan, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Phát bài truyền thông trên hệ thống loa phát thanh xã/phường 2 lần/ ngày. Tổ chức truyền thông trực tiếp tới người dân khi thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường…
Hiện nay tình hình thời tiết hiện đang vào mùa, rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển dẫn tới việc khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, mặc dù các địa phương thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue nhưng một bộ phận người dân vẫn chủ quan, lơ là không phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue.
Mặt khác, do việc đi làm xa của người dân ở độ tuổi lao động, kèm theo tồn tại một số khu đất hoang của một số dự án treo không người ở dẫn tới việc quản lý các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà kém tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết Dengue phát triển.
Theo các chuyên gia y tế, các bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện chủ yếu với các triệu chứng: sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau nhức hốc mắt, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết, chán ăn, buồn nôn… Các ca sốt xuất huyết tại đây đều được chúng tôi theo dõi điều trị ổn định và xuất viện sau khoảng 1 tuần.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có chung triệu chứng như: Sốt cao 39-40 độ C kéo dài, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau cơ và khớp; có thể sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban… Khi phát hiện các dấu hiệu: sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn… người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Ngành y tế khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Đối với các khu vực người dân có thói quen trữ nước mưa thì phải có tấm bạt bịt kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng được; súc rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên, thả cá diệt lăng quăng trong các bể nước. Thu gom, xử lý, tiêu hủy các vật dụng phế thải, chai lọ để không chứa nước, muỗi không vào đẻ trứng được… Sắp xếp quần áo gọn gàng, ngăn nắp, cho vào tủ hoặc sử dụng tấm bạt phủ kín sào quần áo treo trong nhà. Nhà cửa phải thông thoáng, thường xuyên mở cửa để gió lùa vào; sử dụng nhang xua muỗi, các vợt bắt muỗi hoặc các chai hóa chất được bán trên thị trường có kiểm định; trẻ em mặc quần áo dài khi chơi đùa vào sáng sớm hoặc chiều tối, ngủ mùng; không có muỗi, không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết. Luôn rửa tay trước khi cho trẻ ăn, ăn uống hợp sinh, ăn chín uống chín, khử khuẩn, lau chùi bề mặt thường xuyên… để phòng, chống bệnh tay-chân-miệng.
VŨ DUYÊN