Print Chủ Nhật, 12/01/2025 19:05 Gốc

Trong tình hình giá bất động sản liên tục biến động, không ít người mua và bán đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi gặp phải lừa đảo.

Theo Vũ Văn Luân, Giám đốc Kinh doanh VGI Land, Công ty Cổ phần đầu tư Vũ Gia, có rất nhiều hình thức lừa đảo mua bán nhà đất như dùng sổ giả và giấy tờ giả nhằm vào cả người bán và người mua.

Đối với người bán, kẻ lừa đảo sẽ trong vai người mua nhà cần xem sổ, lấy thông tin sổ để xác thực và lợi dụng thông tin đó để làm một cuốn sổ, hồ sơ giả. Tiếp theo, vẫn dùng cách cũ, nhân cơ hội chủ đất không để ý để đánh tráo giữa sổ giả và thật.

Đối với người mua, lần này kẻ lừa đảo sẽ là người bán, đó có thể là chủ đất hoặc người được ủy quyền rồi làm nhiều bộ hồ sơ, giấy tờ giả để bán cho nhiều người cùng lúc.

Một ngôi nhà được bán cho nhiều người: Để tạo thu hút và niềm tin cho khách hàng, đối tượng sẽ đăng tin rao bán nhà đất với giá khá thấp so với thị trường, hình ảnh sổ, giấy tờ nhà đất xác thực, rõ ràng, cùng lời mời gọi hấp dẫn.

Nhiều chiêu trò lừa đảo mua bán nhà đất. Ảnh: Minh Hạnh.

Sau khi tiếp cận được đối tượng, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra nhiều lý do để dụ dỗ cọc tiền hoặc chồng tiền một phần với cam kết chỉ bằng giấy tay. Cùng hình thức đó, kẻ lừa đảo tiếp tục gom của nhiều người nhẹ dạ, cả tin một số tiền lớn và cao chạy xa bay.

Lợi dụng sự tín nhiệm khi chủ nhà đất đang có nhu cầu vay tiền nhưng vì lý do nào đó không tiếp cận được nguồn vốn vay, bắt buộc phải nhờ người khác đứng ra vay giúp. Lợi dụng lòng tin, đối tượng dùng tài sản thế chấp ngân hàng vay giúp rồi dùng tài sản vừa được ủy quyền tiến hành mua bán rồi chiếm đoạt số tiền đó. Hoặc đối tượng vay ngân hàng nhiều hơn số tiền bạn cần, cuối cùng vượt quá khả năng chi trả và ngân hàng phát mãi tài sản thế chấp.

Đóng vai người mua bán nhà đất để đẩy giá lên cao: Khi người mua còn đang lưỡng lự chọn mua một mảnh đất vì giá của nó cao hơn nhiều so với thị trường thì đột nhiên có vị “đại gia” tìm đến và hỏi mua chính mảnh đất đó với giá cao hơn rất nhiều so với giá đang định mua và sẽ cọc một số tiền để tạo tin tưởng cho con mồi. Người mua sẽ sốt sắng chồng tiền mua mảnh đất đó với hy vọng có thể sang tên để kiếm lời. Và cuối cùng đã rơi vào bẫy khi mua mảnh đất có giá cao hơn nhiều so với thực tế, thậm chí có thể bị vướng mắc về pháp lý.

Lừa đảo mua bán đất qua vi bằng là hình thức xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Về bản chất vi bằng không phải là hợp đồng hay giao dịch. Mọi hoạt động mua nhà, mua đất đều phải thực hiện qua hợp đồng mua bán nhà đất được công chứng và có thể yêu cầu lập vi bằng để ghi nhận việc bàn giao tiền, tài sản, ghi nhận hiện trạng tài sản để làm chứng cứ nếu có tranh chấp về mua bán nhà đất sau này chứ không có giá trị như hợp đồng mua bán nhà đất.

Theo các chuyên gia để tránh các chiêu lừa đảo người mua sẽ không giao tiền khi chưa làm xong thủ tục chuyển nhượng vì trước khi hoàn tất ký hợp đồng mua bán nhà đất, nhận sổ, bàn giao nhà thì không có gì đảm bảo chắc chắn bạn không bị lừa.

Tổng Giám đốc Dova Land, ông Đỗ Văn Thạch cho rằng, trước khi mua nhà đất phải xác định rõ ràng các thông tin về tài sản như chủ sở hữu, vị trí chính xác, đất không bị cầm cố hoặc thuộc diện bị thu hồi, quy hoạch, xác định tình trạng thực tế nhà đất…

Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền trên đất và hợp đồng mua bán nhà đất phải được công chứng, chứng thực. Ngoài ra, một điều khoản về việc đền bù nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán nhà đất là cách rất tốt để bảo vệ quyền lợi của mình. Người mua cần thông qua các cơ quan công chứng để xác định hợp đồng đó có hợp pháp hay không.

Không cho người khác tiếp xúc với sổ chính để tránh tình trạng đánh tráo bằng sổ giả trong trường hợp bạn là người bán. Còn nếu là người mua hãy chắc chắn sổ, giấy tờ bạn xem là thật, không bị làm giả mạo.

Minh Hạnh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo mua bán nhà đất
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác