Kinh tế

Càng đấu thầu, giá vàng miếng SJC càng tăng cao

Bất chấp những nỗ lực tăng nguồn cung vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC thời gian gần đây liên tục tăng mạnh. Giới chuyên gia cho rằng, thị trường cần giải pháp mang tính căn cơ, trong đó trọng tâm là sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng.

Liên tục xác lập “đỉnh” mới

Thị trường vàng trong nước vừa trải qua một tuần biến động giá dữ dội, liên tục các kỷ lục về giá được xác lập. Có ngày, giá chạm ngưỡng 92,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán, tăng 4 triệu đồng sau một ngày.

Tổ chức đấu thầu vàng là một trong những động thái của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cung vàng miếng, “hạ nhiệt” thị trường, tuy nhiên, sau 5 phiên đấu thầu vàng (3 phiên bị hủy, 2 phiên thành công), giá vàng trong nước vẫn liên tục biến động theo chiều hướng tăng,

Nếu như phiên đấu thầu thành công đầu tiên (23.4), giá vàng ở mức 81-83,5 triệu đồng/lượng (chiều mua vào-bán ra) thì sau phiên đấu thầu thành công thứ 2 (ngày 8.5), giá vàng miếng SJC liên tiếp tăng. Trong đó, ngày 10.5, giá vàng chiều mua vào-bán ra lên đến 89,9-92,2 triệu đồng/lượng. Các kỷ lục liên tục bị xô đổ.

Hơn nữa, chênh lệch với giá thế giới cũng tăng mạnh. So với mức chênh trước phiên đấu thầu vàng đầu tiên là 9,53 triệu đồng/lượng thì nay mức chênh lệch đã nhân đôi, lên gần 20 triệu đồng/lượng.

Mục tiêu của đấu thầu vàng là “hạ nhiệt” thị trường, kéo giá vàng trong nước sát với thế giới. Nhưng đấu thầu xong thì giá vẫn tăng cao, vì sao?“.

Lý giải điều này, theo các chuyên gia, một đặc điểm chung trong các phiên đấu thầu là Ngân hàng Nhà nước bỏ giá sàn khá sát với giá thị trường trong nước, nhưng giá vàng thị trường Việt Nam lại đang cao hơn giá vàng thế giới từ 15-20 triệu đồng/lượng.

Vì thế, chỉ cần nhìn vào giá doanh nghiệp mua “sỉ” từ Ngân hàng Nhà nước qua các phiên đấu thầu luôn cao hơn 15-20 triệu đồng so với giá quốc tế, cũng có thể đoán được giá vàng trong nước sẽ tăng. Bởi chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải bán ra với giá cao hơn nữa thì mới có thể có lãi. Vì thế cách đấu giá của Ngân hàng Nhà nước như hiện nay đang tạo ra hiệu ứng tâm lý ngược với người dân, vô tình đẩy giá vàng miếng tăng và đây không phải là giải pháp căn cơ để bình ổn thị trường vàng.

Nguyên nhân tiếp theo là xét về nguồn cung trên thị trường, số vàng mà các nhà thầu trúng là 6.800 lượng, tính ra khoảng 200kg vàng. Theo số liệu của Hội đồng vàng Thế giới công bố, thì năm 2023 ở Việt Nam tiêu thụ lên đến 45 tấn vàng dành cho nhu cầu đầu tư và tiêu thụ 10 tấn vàng dành cho nhu cầu sử dụng mục đích làm trang sức. Như vậy, số vàng trúng thầu đang bằng một phần rất nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ vàng.

Một nguyên nhân nữa là hiện nay Việt Nam vẫn còn độc quyền vàng SJC, giá vàng lên xuống bao nhiêu phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn trên thị trường. Do đó, giá vàng trong nước chưa phản ánh được cung cầu bình thường của thị trường khi giá vàng liên thông với giá vàng thế giới.

Thị trường cần giải pháp mang tính căn cơ

Từ những yếu tố đã phân tích ở trên, giải pháp đấu thầu vàng chỉ mang tính chất tình thế, không có tác dụng nhiều trong việc làm cho giá vàng trong nước và giá vàng thế giới gần lại với nhau.

Chia sẻ với PV Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng, việc tổ chức đấu thầu nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế chưa phải là giải pháp căn cơ.

Về lâu dài cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay“, ông Thịnh nói.

Từ khi có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng (năm 2012 đến nay), Ngân hàng Nhà nước độc quyền quản lý thương hiệu vàng miếng SJC, đồng thời chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cho doanh nghiệp nào. Nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường hiện nay chủ yếu từ mua đi bán lại và lượng vàng doanh nghiệp mua trôi nổi trên thị trường.

Vì thế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, về dài hạn cần sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước để sản xuất, cung ứng vàng ra thị trường.

Những giải pháp để quản lý thị trường vàng trong tình hình mới cũng đã được Báo Lao Động đề cập trong tuyến bài “Cởi trói cho thị trường vàng để dòng vốn chảy vào nền kinh tế” đăng tải vào tháng 12.2023.

Tuyến bài đã chỉ rõ những bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng hiện nay và đề xuất các giải pháp: Cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng; kéo được số vàng còn nằm trong dân để tăng vốn cho nền kinh tế thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng và cần có quy định đề cập toàn diện hơn về các sản phẩm, dịch vụ tài chính liên quan tới vàng, chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức như hiện nay…

Ngoài ra, nên sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường vàng, tránh việc mang tiền ồ ạt nhập vàng làm ảnh hưởng đến tỉ giá. Khi vàng trở thành một loại hàng hóa sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cá nhân mua bán, tiêu dùng, cất trữ vàng miếng; không áp dụng đối với vàng trang sức nhưng phải có văn bản quy định phân biệt vàng miếng, vàng trang sức để tránh lách luật trốn thuế.

Đặc biệt, cần sớm số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh vàng, xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán để có thể kiểm soát từng cân, từng lạng một. Nếu làm được như thế, hằng ngày, Nhà nước sẽ kiểm soát được lượng vàng mua bán, giao dịch, vừa tránh thất thu thuế, vừa tránh được việc vàng hóa nền kinh tế.

Sau loạt bài của Báo Lao Động, ngày 27.12.2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện 1426 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng. Đến nay, NHNN đã đề xuất Chính phủ theo hướng bỏ độc quyền vàng miếng.

Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan phải đốc thúc các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng theo từng lần, hoàn thành việc này trong quý 2.2024.

Phan Anh, Đặng Chung

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

Thiệt hại 1,5ha rừng do cháy rừng tại núi Mã Chàng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên)

Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…

20/12/2024

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ thông xe đường Đỗ Mười kéo dài

Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…

20/12/2024

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More