Tháng 3-2011, trong cuộc họp bàn về việc đưa tàu chở người lao động ở Libia về nước, Cảng Hải Phòng được lựa chọn làm nơi cập tàu để thuận tiện đưa đón người. Thế nhưng, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cung cấp thông tin: luồng Hải Phòng không đón được tàu hơn 30.000 tấn. 8 năm sau, năm 2019, cảng biển Hải Phòng đón được tàu lên đến 132.000 tấn. Đó là hành trình dài vươn ra biển lớn…
Công trình hiện đại từ vùng biển
Đi cùng trên 2 cầu cảng nước sâu đầu tiên của Hải Phòng, đại tá Đỗ Khánh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) khoe “cảng này không chỉ đón tàu 132.000 tấn, chúng tôi đang phấn đấu để đưa tàu 150.000 tấn hoặc hơn nữa cập cảng. Đó không chỉ là sự đổi mới của doanh nghiệp mà là đổi mới của cả thành phố Hải Phòng trên bản đồ hàng hải thế giới…
Đứng trên cầu cảng số 1, không ai dám nghĩ, ngày trước đây chính là vùng biển đánh cá của nhân dân huyện đảo Cát Hải. Giờ đây, từ đường trục chính của đảo vươn ra xa tắp, một cảng biển hiện đại với đầy đủ cơ sở vật chất đang vận hành. Bên kia luồng là đảo Cát Bà, như đã gần hơn.
Chúng tôi có mặt tại công trường từ ngày đầu tiên xây dựng hạ tầng năm 2013. Đó là hợp phần A, thuộc giai đoạn khởi động. Đây là hợp phần nền tảng, tạo sẵn mặt bằng để có thể xây cảng. Để làm được hạ tầng cảng, hàng trăm nghìn chiếc cọc bê tông được đóng xuống biển, hàng triệu tấn đất đá được đổ xuống làm cảng, xây dựng đê chắn sóng, chắn cát cùng với hàng nghìn công nhân lao động miệt mài. Từng bước một, từ ven đê biển Cát Hải, cảng dần vươn về phía biển xa. Năm 2015, vào thời điểm đóng cọc chốt cuối cùng ngoài biển, chúng tôi cùng Ban quản lý dự án Hàng hải phải đi ca nô hơn 10 phút mới tới nơi. Và khu vực đóng chiếc cọc xa nhất, chính là cầu cảng số 1 bây giờ.
Ngày 12-5-2016, hợp phần B xây dựng cảng công-ten-nơ quốc tế Hải Phòng chính thức được khởi công trên nền hạ tầng của hợp phần A do HICT đầu tư. Chỉ sau 2 năm, vào ngày 12-5-2018, cảng biển hiện đại nhất miền Bắc hoàn thành. Vùng đất, vùng biển hoang vu ngày nào trở thành cảng biển hiện đại. Cùng đó là luồng tàu sâu đến âm 14 m, gấp đôi độ sâu theo chuẩn tắc luồng vào cảng phía Đình Vũ, Chùa Vẽ. Đó là cơ sở để HICT đón tàu lớn vào cảng. Ngay ngày đầu tiên khánh thành, cảng HICT đã đón tàu 67.000 tấn, là con tàu lớn nhất từ trước đó vào được cảng biển Hải Phòng. Bước sang năm 2019, lần lượt tàu 108.000 tấn, rồi tàu 132.000 tấn cập cảng an toàn chính thức hiện thực hóa giấc mơ của những người xây dựng cảng: đó là đón tàu hơn 100.000 tấn vào Hải Phòng.
Cảng biển Hải Phòng vào top 20 thế giới
Cảng HICT đón tàu hơn 100.000 tấn không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng đón tàu, xếp dỡ hàng hóa mà còn là sự khẳng định vị thế của cảng biển Hải Phòng. Trong ngày cảng HICT đón tàu 132.000 tấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Công vui mừng cho biết, đón tàu lớn nhất vào cập cảng tại khu vực miền Bắc là sự kiện đưa Việt Nam vào bản đồ hàng hải quốc tế, là một trong 20 cảng trên thế giới có khả năng đón tàu siêu trường, siêu trọng vào làm hàng. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá, đây là dấu mốc cho việc phát triển dịch vụ vận chuyển công-ten-nơ bằng đường biển xuyên đại dương trực tiếp từ cảng HICT nói riêng và khu vực miền Bắc Việt Nam nói chung đến các cảng châu Mỹ và châu Âu mà không cần thông qua cảng trung chuyển nước ngoài.
Theo lãnh đạo công ty, kể từ khi đi vào khai thác đến nay, cảng HICT thu hút lượng hàng công-ten-nơ khá đều và đạt hơn 200.000 TEU kể từ khi đưa vào khai thác. Với công suất xếp dỡ khoảng 48 TEU/ giờ, dự kiến trong năm nay, cảng sẽ đạt khoảng 350-400.000 TEU công-ten-nơ. Hiện nay, trung bình mỗi tuần, cảng HICT đón 8 chuyến tàu, trong đó có 2 chuyến xuyên Thái Bình Dương tới Canada và Mỹ. Ở vị trí thuận lợi, cảng HICT còn là đầu mối của các tuyến đường thuỷ nội địa, đường ven biển, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa bằng sà lan, tàu nhỏ đến các khu vực cảng miền Bắc, miền Trung và các cảng cạn ICD phía Bắc.
Đánh giá của Bộ Giao thông-Vận tải cho thấy, sự ra đời của cảng HICT đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống cảng nước sâu tại khu vực miền Bắc nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Đồng thời, việc tiếp nhận tàu lớn thay đổi hoàn toàn bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở miền Bắc Việt Nam, làm giảm đáng kể chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài./.
Mai Lâm – Ảnh: Duy Thính