Kinh tế

Cảng biển Hải Phòng phát triển vượt bậc lọt top 100 cảng lớn của thế giới

Gần 150 năm qua Cảng biển Hải Phòng là niềm tự hào lớn của người dân thành phố. Đây không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển năng động của TP mà còn là địa chỉ đỏ về truyền thống, văn hoá của Hải Phòng. Cảng Hải Phòng vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm.

Lịch sử hình thành

Cảng biển Hải Phòng luôn có vai trò là cửa ngõ ra biển lớn nhất miền Bắc. Là cụm cảng tổng hợp cấp quốc gia, đứng thứ 2 sau cảng Sài Gòn. Đây là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế có tiềm năng phát triển đa dạng nhất hiện nay. Với 52 bến cảng: Hải Phòng (khu cảng chính, Hoàng Diệu), Vật Cách, Đình Vũ, Xăng dầu 19-9, Đoạn Xá, Transvina, Hải Đăng, Greenport, Chùa Vẽ, Cửa Cấm, Thủy sản II, Caltex, công nghiệp tàu thủy Nam Triệu…

Năm 1857, Cảng Hải Phòng được nhắc đến với cái tên Cửa Cấm (trong báo cáo của phái đoàn Ckeczkows-ki). Dưới thời phong kiến, thương cảng chính của miền Bắc là Vân Đồn và Phố Hiến, còn Hải Phòng chỉ là bãi lầy thưa vắng gọi là bến Ninh Hải có mấy xóm chài lưới nhỏ thuộc địa phận của tỉnh Hải Dương. Sau này được một số sĩ quan Pháp tổ chức thám sát với ý đồ khai lộ cửa sông tuyến đường thuỷ lên Vân Nam (Trung Quốc) và đặt quân cảng.


Vào năm 1874, Cảng Hải Phòng được thực dân Pháp xây dựng với quy mô lớn bao gồm 6 nhà kho (gọi là Bến Sáu kho) khi ấy Cảng được hình thành từ bến Ninh Hải của làng chài cửa Cấm từ thế kỷ 18. Năm 1874, triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã chính thức nộp đất Hải Phòng cho thực dân Pháp, từ đấy Cảng Hải Phòng nhanh chóng trở thành một bến cảng sầm uất.

Ý đồ của thực dân Pháp biến bến thuyền làng Cấm thành một quân cảng và thương cảng lớn, phục vụ khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Cảng được sử dụng như một căn cứ để tiếp tế cho quân đội viễn chinh. Cùng với Cảng, dân số Hải Phòng phát triển lên khoảng 10 nghìn người.

Năm 1929, cuộc đấu tranh đòi tăng lương, nước uống, giảm giờ làm, chống đánh đập của 500 công nhân Cảng giành thắng lợi. Tháng 6/1929, “Đông Dương Cộng sản Đảng” chính thức được thành lập. Những hội viên tích cực nhất của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở miền Bắc được tuyển lựa thành những đảng viên đầu tiên của Đảng. Ngay sau đó, đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập. Tháng 8/1929, Ban Chấp ủy lâm thời của Đảng bộ Hải Phòng được cấp trên chỉ định do Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư.

Ngày 24/11/1929 công nhân Bến Sáu Kho đoàn kết đấu tranh đòi bọn chủ Cảng phải tăng lương và đảm bảo nước uống. Cuộc đấu tranh đã ghi mốc son chói lọi vào lịch sử vẻ vang của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng và được quyết định chọn là ngày hội truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và đội ngũ công nhân Cảng.

Khoảng đầu năm 1939, cảng thực hiện được 23% khối lượng vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu xứ Đông Dương.

Đến năm 1956, cảng chính thức là một xí nghiệp được Ngành vận tải tàu thuỷ quản lý và vận hành. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, cảng được chuyển nhượng phụ trách bởi Cục vận tải đường biển…

Những tháng năm chống Mỹ, công nhân cảng vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Sau ngày đất nước thống nhất, cảng Hải Phòng tổ chức lại sản xuất, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chỉ 2 năm sau giải phóng miền Nam, sản lượng hàng qua cảng đã tăng 10% so với công suất thiết kế.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Cảng Hải Phòng đã có bước phát triển nhảy vọt, năm 1995, với 17 cầu tàu, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 4,5 triệu tấn. Đó là năm đầu tiên, doanh thu toàn cảng đạt mức hơn 200 tỷ đồng.

Vào những tháng cuối năm 2007, Cảng chuyển hoạt động theo mô hình Công ty TNHH trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động chưa được lâu, vào năm 2014 Cảng Hải Phòng chính thức chuyển sang làm việc theo mô hình Công ty cổ phần. Cho đến nay, Cảng vẫn được quản lý và điều phối vận hành bởi Công ty cổ phần cảng Hải Phòng.

Lợi thế vô cùng to lớn của Hải Phòng

Hải Phòng nằm trong vùng tam giác Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, giúp mang lại nhiều lợi thế phát triển kinh tế. Hiện nay, cảng Hải Phòng đang quản lý khai thác 3.972m cầu bến, khoảng 100ha kho bãi, bao gồm 4 khu vực gồm: Chùa Vẽ, Tân Vũ, Đình Vũ và 5 bến phao, khai thác khu chuyển tải Bạch Đằng, Bến Gót, Lan Hạ, Hạ Long.

Sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực Hải Phòng (chiếm 40% thị phần khối lượng bốc xếp hàng tổng hợp, hàng container qua cảng biển Hải Phòng), cảng Hải Phòng không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu xếp dỡ ngày càng cao. Đầu năm 2018, đơn vị đã đưa vào khai thác 2 cần trục khổng lồ vừa được sản xuất tại tại CHLB Đức (trị giá mỗi cần trục 5 triệu USD), có thể khai thác các tàu có chiều ngang đến 14 hàng container.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, trong giai đoạn là DN Nhà nước, Cảng Hải Phòng đã bảo toàn và phát triển phần vốn Nhà nước tăng 2,6 lần; Đồng thời, xây dựng và mở rộng ra khu vực Đình Vũ bằng nguồn vốn tự tích lũy. Từ 1/7/2014, Cảng Hải Phòng đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Sau hơn 3 năm, hoạt động của cảng đạt hiệu quả cao, sản lượng bình quân hàng năm trên 33 triệu tấn/năm (chiếm trên 42% thị phần khu vực Hải Phòng), Doanh thu bình quân hàng năm khoảng 2.400 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hàng năm đạt 560-710 tỷ đồng/năm; đời sống CBCNV ổn định…

Năm 2021, Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt. Quy hoạch tập trung phát triển hai khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) để trở thành các cảng trung chuyển quốc tế. Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1-1,4 tỷ tấn; trong đó, hàng container từ 38-47 triệu TEU; hành khách từ 10,1-10,3 triệu lượt khách.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng từng nhận định: “Cảng Hải Phòng là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân TP Hải Phòng gắn liền với những bước thăng trầm của thành phố”.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cảng Hải Phòng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND và Giải thưởng Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày nay, Cảng Hải Phòng vẫn khẳng định tiếp nối truyền thống đã được được xây dựng và phát huy qua các thời kỳ, trở thành một cảng biển văn minh, hiện đại nhất miền Bắc.

Lọt top 100 thế giới, giữ vững và phát triển hơn thương hiệu cảng biển số 1 khu vực miền Bắc

Theo thống kê từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, trong năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng đạt 91,7 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với năm 2020, trong đó sản lượng hàng container đạt 5,7 triệu Teus, tăng khoảng 8,9%. 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng đạt 78,7 triệu tấn, tăng khoảng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng container đạt 5,2 triệu Teus, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 cảng biển của Việt Nam được Tạp chí hàng hải Vương quốc Anh Lloyd’ List xếp trong top 100 cảng biển năm 2022 có sản lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới, cảng biển Hải Phòng được đánh giá có những bước tăng trưởng ấn tượng bậc nhất.

Vĩnh Quân

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More