Giáo dục

Cần xoá bỏ tư duy mỗi phụ huynh là một “nguồn thu vô tận”

Báo Lao Động đang có loạt bài phản ánh về những mặt trái của việc tổ chức dạy kỹ năng sống tăng cường trong trường tiểu học gây bất bình, bức xúc cho phụ huynh.

Trước hết phải khẳng định chương trình kỹ năng sống và tiếng Anh tăng cường là các nội dung hết sức cần thiết cho học sinh các cấp ngoài việc học chữ, học kiến thức.

Tuy nhiên, các chương trình kỹ năng sống đang được dạy trong các trường học đang cho thấy nhiều điều bất thường khi chương trình không phải do ngành Giáo dục biên soạn, dạy miễn phí cho học sinh mà do các trường ký hợp đồng có trả tiền với một trung tâm kỹ năng sống được cấp phép.

Trung tâm này cung cấp giáo trình, chương trình giảng dạy (tương tự giáo án) cho giáo viên và tổ chức tập huấn cho giáo viên của nhà trường, còn lại toàn bộ việc giảng dạy kỹ năng sống do các giáo viên của trường thực hiện theo mô hình dạy 1 tiết/tuần.

Chương trình dạy chủ yếu là các kỹ năng thông thường như: Phòng tránh đuối nước, hỏa hoạn, chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Nhiều trường học đang dạy kỹ năng sống-dạy chống đuối nước theo kiểu “học chay” vì không có bể bơi để thực hành. Ảnh minh hoạ của Hải Đăng.

Về kinh phí, nhà trường thu từ học sinh số tiền 12.500 đồng/tiết học, nộp về cho trung tâm khoảng 43,8%, số còn lại trường giữ lại chủ yếu để chi trả tiền công cho giáo viên và chi phí cơ sở vật chất.

Nó còn là sự bất thường, bởi những kỹ năng sống thông thường như phòng tránh đuối nước, hỏa hoạn, chăm sóc sức khỏe sinh sản… mà phải bỏ tiền đi “thuê”, “mượn” giáo trình từ các tổ chức bên ngoài là điều hết sức vô lý.

Bởi những kiến thức và kỹ năng thông thường này, ngành Giáo dục hoàn toàn có thể xây dựng một bộ giáo trình trong “3 nốt nhạc”, sau đó cung cấp miễn phí và tập huấn cho giáo viên của các trường.

Đó là còn chưa nói đến việc không cần thiết lắm bởi trong thực tế, việc dạy học kỹ năng sống đã được các giáo viên thực hiện lồng ghép thông qua các môn học và hoạt động giáo dục. Một số kỹ năng sống được nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cho học sinh (như kỹ năng phòng chống cháy nổ).

Đó còn là sự hoang phí cũng như tạo thêm gánh nặng rất lớn cho phụ huynh, vốn đã và đang oằn vai với không biết bao nhiêu khoản phụ thu, lạm thu, tận thu… đầu năm học trong bối cảnh kinh tế và thu nhập đang ngày một đi xuống.

Có ý kiến cho rằng, học kỹ năng sống nhà trường thu thêm mỗi tiết “chỉ có” 12.500 đồng, không đáng kể. Xin thưa, 12.500 đồng/tiết/học sinh là con số nhỏ. Nhưng 12.500 đồng trên 1.000, 10.000, hay 100.000 học sinh là con số vô cùng lớn. Trong khi hiệu quả thu lại thì vô cùng nhỏ!

Cuối cùng thì ngành Giáo dục, trong trường hợp này là lãnh đạo các trường học cụ thể ở các địa phương, đã đến lúc nên xoá bỏ tư duy mỗi phụ huynh là một “nguồn thu vô tận” bởi họ gần như không có quyền từ chối hay trả giá.

Xóa bỏ bằng cách thôi “vẽ rắn thêm chân” các chương trình dạy thêm, nâng cao, tăng cường… vô bổ, chỉ mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp, “lợi mình” nhưng vô tình hại phụ huynh, hại học trò, hại cả nền giáo dục…

Hoàng Văn Minh

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More