Xã hội

Cẩn trọng với việc “tham quan” tại tuyến đê biển Cát Hải

Những ngày qua, hình ảnh tuyến đê biển Cát Hải “phủ sóng” trên một số trang mạng xã hội, trang web du lịch khiến nhiều bạn trẻ tò mò, muốn đến tận nơi tham quan, ghi lại những tấm hình đẹp. Tuy nhiên, đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân, khách du lịch không nên đến khu vực này.

Tuyến đê biển Cát Hải bao gồm đê chắn sóng và đê chắn cát, thuộc gói thầu số 10 xây dựng 2.480m đê chắn sóng và 7.600m đê chắn cát trong hợp phần A xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện). Đây cũng là công trình biển có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Ngay sau khi những tấm hình về tuyến đê biển này lên mạng xã hội, các trang web du lịch, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ tò mò muốn đến tận nơi để có thể “check in”, lưu giữ cho mình những tấm hình đẹp với tuyến đê biển này. Nhiều bài viết trên mạng xã hội còn chia sẻ kinh nghiệm đến khu vực này và cách để có những bức hình chụp đẹp nhất. Chủ tịch UBND thị trấn Cát Hải Phạm Vĩnh Thành cho biết, khu vực này thuộc dự án xây dựng Cảng Lạch Huyện. Trước kia, khi dự án còn đang trong quá trình xây dựng, khu vực ra, vào đê biển được chắn bởi ba-ri-e, có lực lượng bảo vệ trông giữ. Tuy nhiên, sau khi tuyến đê biển được hoàn thành, không còn bảo vệ trông giữ, ba-ri-e cũng được nâng lên, không ai quản lý, khu vực này trở thành khu vực ra vào tự do. Thời điểm trước, chỉ có ít người đến câu cá vào mỗi dịp cuối tuần hay vài người dân trên địa bàn thị trấn vào khu vực này bắt ốc, hà. Tuy nhiên từ thời điểm hình ảnh tuyến đê biển xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, hằng ngày có hàng chục bạn trẻ đến khu vực này để thăm quan, chụp ảnh.

Nhiều bạn trẻ kê ván để đưa xe máy chạy trên mặt đê chắn sóng để đến khu vực đê chắn cát chụp ảnh.

Tại thời điểm phóng viên Báo Hải Phòng có mặt ở khu vực này, nhiều bạn trẻ cũng đang đến tham quan, chụp ảnh. Thậm chí, nhiều người còn kê ván, đưa xe máy lên thành bờ đê, chạy trên bờ đê chắn sóng nhỏ hẹp để ra đến khu vực đê chắn cát chụp ảnh. Bờ đê nhỏ, hẹp, chỉ đủ để 1 xe máy chạy, khó có thể tránh nhau nếu một xe chạy hướng ngược lại. Không chỉ việc đi lại trên bờ đê chắn sóng gây nguy hiểm, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Hải Phạm Vĩnh Thành còn cho biết, khu vực ngoài đê chắn cát cũng hết sức nguy hiểm. Thời điểm thủy triều xuống, để lộ ra cả khoảng đê dài gần 8km có cảnh quan rất đẹp, tuy nhiên khi thủy triều lên, khu vực này ngập trong nước. Cùng với đó, trên mặt đê cũng ẩm ướt, nhiều rong rêu bám vào, dễ trượt chân. Khu vực này biển sâu 5-6m, vì vậy, nếu bị ngã vô cùng nguy hiểm. Một số người dân sống tại khu vực này cho biết, nếu có tàu lớn đi qua, tạo sóng to, còn gây nguy hiểm hơn nữa. Có vài người dân từng bắt hà, bắt ốc ở khu vực này từng bị sóng đánh ngã xuống biển.

Lãnh đạo thị trấn Cát Hải cho biết, thời gian tới, khi dự án xây dựng các bến 3,4 tại Cảng Lạch Huyện triển khai, khu vực này sẽ do các nhà thầu tiếp tục quản lý, không cho người lạ ra vào. Trước mắt, ở thời điểm này, thị trấn sẽ làm việc với các bên liên quan, phối hợp xây dựng kế hoạch quản lý khu vực chung quanh, không để người dân ra vào tự do, nguy hiểm đến tính mạng./.

Bài và Ảnh: Bảo Linh

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Sẽ có cơ chế trả tiền cho người phản ánh vi phạm giao thông

Theo Cục Cảnh sát giao thông, sẽ sớm có quy định hướng dẫn chi trả…

04/01/2025

Hải Phòng đánh dấu mốc tăng trưởng kinh tế 10 năm liên tiếp

Năm 2024 là năm đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của TP Hải Phòng…

04/01/2025

Giáo viên trường công ở Hải Phòng sẽ được nhận những khoản tiền nào vào dịp Tết?

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên các trường công lập tại thành phố…

04/01/2025

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025 quy định về dạy thêm, học thêm như thế nào?

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy…

03/01/2025

Dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh

Theo quy định của thông tư về dạy thêm, học thêm mới, tổ chức, cá…

03/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More