Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm nhiều hơn bởi đây là thời điểm các loại hàng hóa phục vụ Tết đã bắt đầu được tung ra thị trường.
Hơn lúc nào hết, lực lượng quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phải căng sức nỗ lực kiểm soát tình hình. Thế nhưng, việc nở rộ hình thức bán hàng online đang là thách thức cho các cơ quan chức năng trong kiểm soát an toàn thực phẩm.
Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trước Tết
Trụ sở Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh những ngày nay luôn trong tình trạng vắng lặng hơn thường ngày. Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trong gần 2 tháng qua, Ban đã tung gần như toàn bộ lực lượng phục vụ công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn thành phố.
Qua công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm Tết, các kho lạnh chứa nguyên liệu chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định an toàn thực phẩm nghiêm trọng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, hoạt động thanh kiểm tra chú trọng vào khâu phân phối, kinh doanh thực phẩm tại hệ thống siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc kiểm tra an toàn thực phẩm được đơn vị này tổ chức xuyên suốt trong năm, nhưng cận Tết là thời điểm cần được tăng cường hơn nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng cho người dân được an toàn.
Cụ thể, từ cuối tháng 11/2020 đến tháng 3/2021, Ban Quản lý an toàn thực phẩm triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021; tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Đặc biệt, các đoàn kiểm tra chú trọng hơn đến những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau, củ quả, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; tập trung thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ, lẻ; phối hợp với các đoàn kiểm tra của thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
“Trong quá trình thanh tra, chúng tôi sẽ lấy mẫu nhóm sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở được chỉ định và thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm khi có vi phạm”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ đầu mối, trạm kiểm dịch cửa ngõ của thành phố được Ban Quản lý an toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hằng đêm, đảm bảo tất cả nguồn thực phẩm đưa về Thành phố Hồ Chí Minh đều được kiểm soát.
Khó quản lý thực phẩm Tết trên “chợ mạng”
Thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, chị Hồ Thị Thu Hà (ngụ tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) đặt 2 kg thịt trâu gác bếp – món đặc sản vùng Tây Bắc với giá 500.000 đồng/kg để ăn Tết và làm quà biếu cho người thân. Tương tự, cứ gần đến Tết, nhiều người dân lại săn lùng các loại đặc sản, thực phẩm, mứt, bánh, kẹo để sử dụng và làm quà biếu. Nắm được nhu cầu đó, các cửa hàng bán buôn thực phẩm xuất hiện ngày càng nhiều trên “chợ mạng”.
Có thâm niên 2 năm bán hàng online, cứ gần đến dịp Tết, chị Lê Thu Thảo (ngụ tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) lại nhập thêm các loại đặc sản vùng miền để bán Tết. Chị Thảo cho hay, trước Tết 2 tháng tôi đã liên hệ người quen ở các tỉnh ngoài Bắc đưa vào các loại đặc sản như thịt trâu, bò gác bếp, các loại giò, chả, nem, cá khô, mực khô… để bán. Càng gần đến Tết thì các loại thực phẩm này càng bán chạy do nhu cầu tăng cao.
Thừa nhận việc mua – bán thực phẩm qua mạng xã hội nở rộ trong những năm gần đây nhưng cơ quan quản lý chưa thể kiểm soát, bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận, về mặt tích cực thì đây là hoạt động tiết kiệm được rất nhiều chi phí và được đông đảo người dân ủng hộ. Dự báo trong dịp Tết Tân Sửu 2021 hình thức này càng phát triển mạnh hơn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
“Hình thức bán thực phẩm qua mạng là một cách phòng dịch hiệu quả nhưng cũng là thách thức của chúng tôi trong vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm“, bà Lan cho hay.
Theo bà Phong Lan, thực tế, bên cạnh hệ thống cửa hàng lớn có bán theo hình thức online thì hầu hết các cơ sở bán hàng online tự phát đều không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, không có đăng ký kinh doanh. Điều đó có nghĩa họ đang vi phạm pháp luật về kinh doanh buôn bán thực phẩm là phải có đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, các điều kiện đảm bảo về an toàn thực phẩm cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Trong khi đó, việc truy tìm những cơ sở này rất khó khăn bởi các địa chỉ đăng ký trên mạng đa phần là “địa chỉ ảo”. Mới đây, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và phạt 23 triệu đồng một cửa hàng bánh ngọt bán online tại Quận 6 do có những vi phạm như không có hóa đơn chứng từ, nhân viên không được tập huấn về an toàn thực phẩm, không đăng ký kinh doanh trong khi mỗi ngày bán ra thị trường hàng ngàn chiếc bánh ngọt.
Để thực hiện hiệu quả việc quản lý kinh doanh thực phẩm trên “chợ mạng”, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã kiến nghị lên các cấp cao hơn hoàn thiện hành lang pháp lý để có biện pháp quản lý hiệu quả; đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc buôn bán các mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội.
Bà Phạm Khánh Phong Lan lưu ý, các mặt hàng thực phẩm dù được buôn bán ở đâu, bằng hình thức nào, cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật, phải được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các quy định pháp luật vẫn chưa rõ ràng, bà Lan khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong việc chọn lựa các địa chỉ mua hàng.
“Ít nhất người dân nên mua hàng ở các địa chỉ uy tín, vừa an tâm về chất lượng lại có cơ sở xử lý hậu mãi nếu không may xảy ra các sự số không đảm bảo an toàn“, bà Lan khẳng định.
Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyên người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết bởi tại Thành phố, hệ thống phân phối thực phẩm gần như hoạt động xuyên Tết.
Đồng thời, việc bảo quản tốt thực phẩm cũng cần được chú trọng, tránh thực phẩm hư hỏng, ôi thiu gây sự cố mất an toàn trong những ngày Tết. Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng rượu bia cũng là hình thức bảo vệ, giữ gìn sức khỏe trong những ngày Tết và giúp giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn khi lưu thông trên đường./.
Đinh Hằng/TTXVN