Print Chủ Nhật, 26/03/2023 14:50 Gốc

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng vừa cấp cứu một trường hợp mắc dị vật đường hô hấp cho bệnh nhân nam nuốt phải vảy ốc lớn sau khi ăn bún. Các bác sĩ cho biết, dị vật đường hô hấp thường ít gặp hơn dị vật đường tiêu hóa. Tuy nhiên, cần sơ cứu đúng cách và đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Bệnh nhân nam, 73 tuổi, tiền sử huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vào viện với tình trạng ho sặc sụa, khó thở, tức ngực sau ăn bún. Sau khi được xử trí ban đầu tại bệnh viện gần nhà, bệnh nhân đỡ khó thở, tức ngực nhưng tình trạng ho không giảm, còn xuất hiện ho ra máu, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng để tiến hành nội soi phế quản.

Quá trình nội soi, ThS.BSNT Phạm Đắc Thế, Trưởng Khoa Nội tổng hợp 1 (Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng) phát hiện dị vật nằm ở ngã 3 khí phế quản.

Nhanh chóng, ekip nội soi của bệnh viện tiến hành dùng kìm gắp dị vật thành công. Dị vật được gắp ra là vảy ốc lớn, đường kính khoảng 1,5cm.

Kíp bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng thực hiện gắp dị vật cho bệnh nhân.

Trường hợp bệnh nhân P. T. N (Phường Quán Trữ, quận Kiến An) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, có cảm giác mắc nghẹn ở cổ họng. Hình ảnh chụp X-quang tim phổi không có gì bất thường, kết hợp khai thác lời kể của bệnh nhân thấy khó chịu sau khi ăn hồng xiêm, nghi ngờ nuốt phải hạt quả hồng xiêm nên các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính.

Kết quả, có dị vật ở vùng phế quản, bề mặt trơn nhẵn. Bệnh nhân được chỉ định nội soi gắp dị vật có gây mê.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân P.T.N cho biết: Quá trình nội soi thấy có dị vật ở phế quản gốc trái, bịt gần kín lòng phế quản. May mắn là bệnh nhân đến viện sớm, dị vật chưa gây ra tổn thương cho phế quản, lòng phế quản không có máu hay mủ nên chỉ cần đưa sớm đưa được dị vật ra khỏi phế quản để giải phóng đường thở.

Tuy nhiên, dị vật có hình dáng dẹt, cạnh sắc nhọn nên quá trình gắp gặp khá nhiều khó khăn. Cạnh dị vật chỗ tù thì trơn, chỗ nhọn thì nguy cơ chọc vào thành khí quản gây thủng, chảy máu. Chúng tôi đã phải chọn gắp vào phần nhọn, khéo léo lách qua lòng khí quản hẹp để đưa lên.

Dị vật đường hô hấp cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Các chuyên gia y tế cho biết, những bệnh nhân có dị vật phế quản triệu chứng đến viện thường ho, khó thở, kích thích nhiều. Để xử lí dị vật đường hô hấp thì nội soi gắp dị vật là phương pháp duy nhất để giải phóng đường thở.

Với nội soi khí quản gây tê, bệnh nhân sẽ chịu kích thích khi dây soi và dụng cụ gắp dị vật đi vào đường thở, kĩ thuật sẽ khó thực hiện và gây ra nhiều nguy cơ tổn thương đường khí quản. Do vậy, nội soi hô hấp dưới gây mê là điều kiện tốt nhất để có thể lấy dị vật.

Khi gây mê, bệnh nhân trải qua quá trình nội soi như một giấc ngủ, không sợ hãi, không phải chịu kích thích. Nhờ đó, hạn chế tối đa những tổn thương khí quản do người bệnh không hợp tác trong quá trình soi.

Các bác sĩ có thể kiểm tra kĩ các vị trí của khí-phế quản và phát hiện các tổn thương kịp thời, phục vụ cho quá trình khám, chẩn đoán và điều trị mà hạn chết tối đa tổn thương cho bệnh nhân. Sau nội soi, bệnh nhân nhanh chóng tỉnh, ít tác dụng phụ, hạn chế ho sặc và ít nguy cơ co thắt phế quản sau soi.

Thông thường, dị vật khí quản ít gặp hơn dị vật tiêu hóa rất nhiều. Tuy nhiên, đây là cấp cứu tai mũi họng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, do trẻ em thường có thói quen cho các đồ vật vào miệng và phản xạ bảo vệ đường thở của trẻ chưa hoàn thiện. Dị vật có thể bị mắc lại trên đường thở của bệnh nhân từ thanh quản đến phế quản.

Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, gây giảm hoặc tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Nếu không xử lí kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, dị vật đường thở là một cấp cứu phổ biến do thói quen ăn uống không cẩn thận. Tình trạng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu dị vật bị bỏ qua, sẽ gây ra viêm nhiễm tái đi tái lại, có thể gây áp xe trung thất xâm lấn các mạch máu lớn.

Đối tượng hay mắc dị vật đường thở là trẻ em do thói quen hiếu động, bên cạnh đó người già cũng dễ mắc do rối loạn phản xạ vùng hầu họng đặc biệt người bị tai biến mạch máu não. Việc cẩn trọng khi ăn uống đặc biệt với những món hỗn hợp (xương hầm, bún ốc…), cần lưu ý hơn trong dịp lễ Tết hay liên hoan, ăn uống đông người là quan trọng để hạn chế mắc dị vật đường thở.

Khi bị hóc dị vật cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và can thiệp kịp thời. Không chữa mẹo theo mách bảo. Không chậm trễ, để lâu dễ gây những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ cũng cho biết, cần hết sức cẩn trọng trong ăn uống, không chỉ ở trẻ nhỏ mà cả với người lớn không nên cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ, dễ bị hóc khi đưa vào miệng, với những loại hạt nhỏ khi ăn nếu không chú ý, cười đùa có thể gây hóc, sặc khiến dị vật chui vào đường thở gây bít tắc đường thở.

Khi mắc phải dị vật đường thở, cần sơ cứu đúng cách và đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được thăm khám và xử trí kịp thời.

VŨ DUYÊN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cẩn trọng với các trường hợp mắc dị vật đường hô hấp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác