Print Thứ sáu, 23/02/2024 08:20 Gốc

Gần đây một số trường hợp mất liên lạc với người thân nên gia đình đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội tìm tung tích và rất có thể đó là cơ hội cho những kẻ xấu lừa đảo.

Hôm 22.2, Công an quận Hà Đông, Hà Nội thông tin việc đơn vị đã tìm thấy thiếu nữ 14 tuổi, được người nhà cho rằng cháu gái này bị “mất tích” từ mùng 6 Tết Nguyên đán 2024.

Trước đó, những thông tin, hình ảnh của thiếu nữ này được người thân cung cấp, đưa lên các trang mạng xã hội “cầu cứu” cư dân mạng tìm tung tích con gái mình. Kèm theo đó, người mẹ đã để lại số điện thoại để mong có người biết tung tích con gái ở đâu, gọi báo cho gia đình.

Trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh thì điện thoại của người mẹ nhận tin nhắn đe dọa tống tiền của người lạ với nội dung: “Gia đình muốn em T bình yên trở về nhà thì chuyển vào tài khoản… 200 triệu đồng. Nếu không chuyển hay báo công an thì gia đình tìm thấy em T trong thùng xốp”.

Trên thực tế, khi tìm thấy thiếu nữ này, cô bé trình bày sau khi từ quê ở Hà Nam lên Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) đã qua ở với một số người bạn. Chiếc điện thoại liên lạc, thiếu nữ này đã bán để ăn tiêu trong 6 ngày “mất tích“.

Một người được gia đình trình báo mất liên lạc từ mùng 3 Tết Nguyên đán 2024, song sau đó đã về nhà sau nhiều ngày. Ảnh: Công an Hà Nội.

Một trường hợp khác là chị T (19 tuổi, trú tại Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội) sau gần 10 ngày “mất tích” đã trở về nhà. Thông tin việc chị này bỗng dưng mất tích từ mùng 3 Tết Nguyên đán 2024 được người chồng trình báo cơ quan chức năng và tìm kiếm trong nhiều ngày. Tuy nhiên, thực tế chị này đi lang thang vào tận Thanh Hóa và đã trở về nhà vào tối 20.2.

Công an Hà Nội khuyến cáo, khi xảy ra các vụ việc tương tự, người dân cần phải kiểm tra xác minh, trình báo với cơ quan Công an, cẩn trọng khi đăng tải lên trang mạng xã hội. Người dân nên cẩn trọng khi đưa các thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc lợi dụng để thực hiện các hành vi khác. Vụ việc mẹ của thiếu nữ 14 tuổi nhận tin nhắn đòi tiền chuộc 200 triệu đồng là ví dụ.

Luật sư Nguyễn Văn Tiến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đồng tình quan điểm, cho hay, người dân cần cẩn trọng khi đưa thông tin cá nhân lên mạng xã hội.

Luật sư phân tích, việc bỗng dưng không liên lạc được với người thân, tâm lý chung của các gia đình là lo lắng, hoang mang. Trong hoàn cảnh đó, người ta thường tìm đến các kênh khác nhau và tiếp nhận mọi thông tin. Và khi đó, kẻ xấu dễ lợi dụng để trục lợi.

Như trường hợp của mẹ thiếu nữ 14 tuổi, ngoài việc có thể bị lừa đảo, tin nhắn lạ đó còn gây hoang mang, lo lắng“, luật sư nói.

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định về thời gian một người mất tích bao lâu thì mới được trình báo với cơ quan công an. Tùy vào từng trường hợp, từng vụ việc cụ thể để trình báo với cơ quan công an.

Trường hợp, nếu người thân mất tích và nhận ra có dấu hiệu tội phạm thì có thể báo ngay cho công an. Cùng với việc trình báo, nếu có bằng chứng hoặc đồ vật, tài liệu liên quan thì nên nộp kèm theo sẽ thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm, xử lý. Cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh tin báo.

Quang Việt

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cẩn trọng việc đăng tải lên mạng xã hội việc người thân bỗng mất liên lạc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác