Xã hội

Cẩn trọng trước việc “thổi giá” học lái xe ô tô

Vừa qua, chuyên mục “Qua đường dây nóng” của Báo Hải Phòng nhận được phản ánh của chị Nguyễn Thu Hiền, ở tổ dân phố số 6, phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền) về chi phí đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô bị đẩy giá lên cao, cản trở việc học lái xe của người có nhu cầu thực sự.

Phản ánh với phóng viên, chị Hiền cho biết do sinh con nên vợ chồng chị lùi việc học lái xe ô tô từ năm 2021 đến năm nay. Qua tìm hiểu trên mạng, chị thấy phí đào tạo lái xe các hạng năm 2024 của một số trung tâm bị đẩy lên khá cao. Theo đó, tổng số giờ thực hành hạng B1 là 51 giờ, hạng B2 là 59 giờ, hạng C là 65 giờ. Chi phí “trọn gói” từ học lý thuyết đến khi được cấp GPLX tương ứng từ 29,8 triệu đến 31,8 triệu đồng đối với hạng B1, từ 29,8 triệu đồng đến 32,8 triệu đồng đối với hạng B2. Như vậy, để có GPLX hạng B1, chi phí của hai vợ chồng chị trong trường hợp thi đỗ ngay lần đầu là hơn 60 triệu đồng. Mức này tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Khu vực sát hạch kỹ năng lái xe ô tô tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp giao thông vận tải Hải Phòng.

Theo ông Trần Văn Mừng, giáo viên lâu năm tại một trung tâm đào tạo lái xe ở Hải Phòng, có 3 nguyên nhân tác động đến chi phí đào tạo lái xe ô tô là các quy định mới của cơ quan chức năng về đào tạo lái xe, khấu hao thiết bị giảng dạy và đặc biệt là “vật giá leo thang” như giá xăng, dầu, điện, nước đều tăng. Theo Nghị định 138/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trung tâm sát hạch lái xe phải thực hiện trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên. Thông tư 04/2022/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ yêu cầu từ 1/1/2023 người thi GPLX ô tô bắt buộc phải học lái xe trên cabin điện tử với thời lượng đủ 3 giờ, nếu không sẽ không đủ điều kiện thi sát hạch. Theo đó, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đầu tư thiết bị giám sát, bố trí lại phòng học, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. Các cơ sở cũng phải bổ sung và cập nhật phần mềm tin học hướng dẫn học và làm bài thi mô phỏng tình huống giao thông trên lớp và ở nhà cho học viên… Đây chính là những yếu tố khiến các trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải tăng học phí. Chi phí “trọn gói” hạng B1 tại Hải Phòng tầm khoảng 15 triệu đồng cho một học viên. Mức phí này còn có sự chênh lệch không đáng kể giữa các trung tâm và tùy thuộc vào sự lựa chọn của học viên khi chọn thầy “tốt”, xe “xịn”.

Liên quan đến mức thu học phí đào tạo lái xe ô tô, ông Lê Quang Vịnh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp giao thông vận tải (Sở Giao thông Vận tải) cho biết: Theo quy định tại Khoản 4, Điều 2 Thông tư liên tịch 72/2011/TTLTBTC-BGTVT giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, các cơ sở đào tạo lái xe được trao quyền tự xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần rồi báo cáo cơ quan chủ quản phê duyệt. Các cơ sở đào tạo tự chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí của đơn vị. Theo quy định mới, số giờ học luật giao thông nhiều hơn, chương trình thực hành cũng thay đổi để đáp ứng nội dung đào tạo mới giúp học viên nắm chắc luật lệ, kỹ năng điều khiển xe phù hợp với nhiều dòng xe. Do đó, các cơ sở đào tạo có sự điều chỉnh tăng học phí cho phù hợp chương trình học. Tuy nhiên, không có chuyện học phí tăng “khủng” đến mức 30 triệu đồng/khóa học như thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Tại đơn vị công khai mức thu học phí, lệ phí sát hạch theo quy định đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Cụ thể, học phí hạng B1, B2 là 7,1 triệu đồng/khóa, hạng C là 10,1 triệu đồng/khóa. Phí sát hạch hạng B1, B2, C là 765.000 đồng, có hóa đơn cấp cho học viên.

Có một thực tế, việc tuyển sinh học viên học lái xe của nhiều cơ sở đào tạo thực hiện theo kiểu giao chỉ tiêu cho đội ngũ giáo viên thu hút người học. Tuy nhiên, việc này dẫn đến việc một số giáo viên tự tung ra những “tin đồn”, rồi “làm giá” học lái xe với các học viên kèm thêm các dịch vụ thuê xe tốt, đưa đón tận nơi… Đơn cử cùng ở hạng B1, mỗi người có một giá và đều cao hơn rất nhiều so với mức học phí mà cơ sở đào tạo đưa ra. Để tránh trường hợp bị “thổi giá” như vậy, học viên nên tìm hiểu trực tiếp, cụ thể thông tin về học phí, chương trình đào tạo sát hạch lái xe tại các cơ sở đào tạo uy tín. Các cơ quan quản lý cần quy định mức giá chuẩn cho hoạt động đào tạo lái xe, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu học lái ô tô thực sự, đồng thời xử phạt nghiêm với các cá nhân quảng cáo dịch vụ sai sự thật theo quy định pháp luật.

Bài và Ảnh: Phạm Thanh

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More