Vào ngày 14-7, một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong do bị chó Ngao Tây Tạng nặng đến 40 kg bất ngờ tấn công. Vụ việc này một lần nữa cảnh báo về nguy hiểm khi nuôi chó, nhất là các loài chó dữ tại các gia đình hiện nay.
Trước đó, vào tháng 7-2017, ông Vũ Văn H., ở xã Trung Lập (huyện Vĩnh Bảo) bị chó “tây” của một gia đình ở phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) cắn bị thương nặng, dẫn đến tử vong dù điều trị 2 tháng liền tại Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp. Cũng trong năm 2016, tại huyện An Lão, bà Lý Thị Ng. bị 3 con chó Pit Bull của doanh nghiệp mà bà làm việc giật đứt xích, lao vào cắn xé, dẫn đến tử vong.
Thực tế, những năm gần đây, trên địa bàn thành phố, người dân không chỉ nuôi chó ta hay chó cảnh, mà nhiều người còn nuôi chó dữ có nguồn gốc nước ngoài. Có người đầu tư hàng chục triệu đồng để mua chó giống nổi tiếng như Pit Bull có nguồn gốc từ Mỹ, ngao Tây Tạng từ Trung Quốc, German Shepherd từ Đức… Những giống chó này thường nặng vài chục cân và rất hung dữ, chỉ phù hợp huấn luyện làm chó bảo vệ. Song, do một số người nuôi không nắm được đặc tính hoặc chưa huấn luyện thuần thục chó dữ, nên để xảy ra trường hợp chó tấn công, gây nguy hiểm cho tính mạng người chung quanh.
Cần huấn luyện để thuần hóa khi nuôi các giống chó dữ (ảnh minh họa).
Anh Nguyễn Văn Sơn, chủ cửa hàng chuyên bán chó cảnh ở chợ Hàng (quận Lê Chân) cho biết, đặc tính của chó là hung dữ, nhất là những giống chó chuyên để huấn luyện làm bảo vệ. Nếu chỉ nuôi chó theo kiểu xích lại, đến bữa cho ăn, mà không huấn luyện, gần gũi chúng, các giống Pit Bull, chó ngao Tây Tạng… sẽ rất nguy hiểm cho chính bản thân người nuôi và những người chung quanh.
Theo Nghị định 90 của Chính phủ ban hành năm 2017 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y quy định người nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp xã, phường. Theo đó, người nuôi chó phải xích, nhốt, giữ chó trong khuôn viên gia đình, không ảnh hưởng xấu đến người chung quanh. Phạt tiền từ 600 đến 800 nghìn đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Việc xử phạt trên thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường, xã. Tuy nhiên, hiện nay, rất ít người nuôi chó dữ có nguồn gốc nước ngoài đăng ký với địa phương. Đặc biệt, tình trạng chó thả rông vẫn phổ biến tại nhiều ngõ, xóm, đường phố, nhưng không hề bị xử lý. Một số người còn chở chó đi trên xe máy, xe điện không rọ mõm, không xích giữ. Nhiều người đi trên đường không khỏi lo ngại khi bắt gặp những con chó to lớn lè lưỡi, mắt long lên sòng sọc hướng về mình.
Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố Bùi Văn Luyện thông tin: Không chỉ với các giống chó dữ, mà ngay với những giống chó ta, chó cảnh, người nuôi cũng phải hiểu đặc tính của chúng và huấn luyện thường xuyên. Hằng năm, người dân đưa chó đi tiêm phòng đúng lịch để phòng, chống bệnh dại. Ngoài ra, cần có những quy định pháp luật điều chỉnh và ràng buộc trách nhiệm với người nuôi những loài chó dữ để hạn chế thấp nhất việc gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của những người chung quanh.
Do vậy, người nuôi chó phải nâng cao ý thức trong việc thực hiện quy định. Khi nuôi những giống chó dữ có nguồn gốc nước ngoài, người nuôi cần đăng ký với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các xã, phường tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp để chó chạy rông trên đường. Về phía người dân, cần cẩn trọng không để trẻ em chơi với vật nuôi trong nhà, đặc biệt là các giống chó dữ. Trường hợp bị chó cắn, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, nên xối rửa vết thương bằng nước sạch sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn. Nếu nạn nhân bị chảy máu nhiều cần nhanh chóng cầm máu, đưa đến trung tâm y tế gần nhất để được sơ cấp cứu, tiêm phòng kịp thời.
Bùi Hương – Báo Hải Phòng 29/7/2018