Do nhiều nguyên nhân, hiện nay, nhiều trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng biết, đưa con đi khám sàng lọc để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời. Nắm bắt được tình trạng đó, các cơ sở y tế trên địa bàn thành lập các chuyên khoa sâu về khám, điều trị trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, thần kinh-tâm bệnh, giúp các em giảm bớt các triệu chứng bệnh, có thể hòa nhập với cộng đồng.
Hiệu quả cao nhờ truyền thông tích cực
Lên 9 tuổi, cháu Trần Phương T., ở thôn 3, xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên) được bố mẹ xin cho vừa theo học lớp 1, vừa học ở trung tâm can thiệp trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ gần nhà. Chị Vũ Thị Hảo, mẹ của cháu bé cho biết, khi con gái được gần 1 tuổi, chị phát hiện con có dấu hiệu bất thường, khác với anh và chị của cháu. Cô bé bị tăng động, giảm chú ý, thường chạy quanh xóm, nếu sơ sẩy, không có người theo sát, T. có thể bị xe đâm hoặc chạy quá đà nên va vào tường. Trả lời câu hỏi vì sao không đưa con đi khám, can thiệp từ sớm, chị Hảo chỉ thở dài: “Khi con còn nhỏ, tôi biết cháu có biểu hiện bất thường nhưng do thiếu hiểu biết nên không đưa đi khám. Khi cháu 5 tuổi, đi học mẫu giáo, nhờ cô giáo tư vấn, tôi mới đưa con tới trung tâm can thiệp gần nhà. Sau gần 4 năm điều trị, so với trước đây, tình trạng của con tôi có cải thiện nhưng không đáng kể, gia đình rất vất vả vì lúc nào cũng phải cắt cử người trông chừng, chăm sóc bé”. Rất may một lần xem Facebook, chị Hảo được biết tại Bệnh viện quốc tế sản nhi Hải Phòng có khám và tư vấn phương pháp can thiệp nên đưa con tới khám với mong muốn tình trạng của cháu T. thuyên giảm, bé có thể hòa nhập với cộng đồng, đến trường như các bạn cùng trang lứa.
Anh Phạm Nam Thái, Phòng Truyền thông-Công tác xã hội (Bệnh viện quốc tế sản nhi Hải Phòng) cho biết, từ tháng 5/2024 đến nay, bệnh viện đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, quảng bá hoạt động khám, chữa bệnh cho trẻ em, trong đó có rối loạn phổ tự kỷ trên website, fanpage của bệnh viện. “Từ khi bệnh viện đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về điều trị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ, nhiều gia đình ở Hải Phòng và các tỉnh lân cận đưa con đến khám, nhờ bác sĩ tư vấn phương pháp, cách thức điều trị”, anh Thái cho biết.
Không chỉ Bệnh viện quốc tế sản nhi, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cũng đẩy mạnh thông tin quảng bá trên website, fanpage của bệnh viện về khám và tư vấn các biện pháp can thiệp chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Nhất là các thông tin về lớp tập huấn, nâng cao nhận thức để cha mẹ, người chăm sóc trẻ hiểu biết về hội chứng tự kỷ; làm thế nào để quản lý hành vi cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, từ đó sẵn sàng tâm lý, chủ động đồng hành với con em mình trong quá trình điều trị… cũng như định hướng phát triển lâu dài. Việc các cơ sở y tế chủ động trong việc thành lập các khoa chuyên sâu, đẩy mạnh truyền thông tích cực giúp nhiều cha mẹ trẻ đưa con tới khám, nhờ chuyên gia tư vấn và can thiệp cho con em mình, từ đó giúp các bé được thăm khám, can thiệp sớm.
Chuẩn bị điều kiện, phương pháp can thiệp chuẩn
Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thường khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi rập khuôn. Các hoạt động chơi cùng trẻ được coi là phương pháp tiếp cận hiệu quả nhằm cải thiện các khiếm khuyết, giúp trẻ phát triển kỹ năng nhận thức, như: Giải quyết vấn đề, sắp xếp thứ tự; hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, kỹ năng vận động, tương tác xã hội, hiểu biết và giao tiếp với người khác. Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc can thiệp chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ, Bệnh viện quốc tế sản nhi Hải Phòng bố trí cơ sở vật chất rộng rãi, trang thiết bị can thiệp hiện đại, môi trường thân thiện với trẻ nhỏ.
BS.Đinh Thị Quỳnh Anh, Trung tâm Tâm bệnh-Tự kỷ (Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng) cho biết, ngoài giao tiếp tăng cường và thay thế, hiện nay, đơn vị còn áp dụng linh hoạt các hoạt động chơi cùng trẻ như “Chơi tưởng tượng” (chơi giả vờ), giúp tiếp cận trẻ nhanh chóng và đem lại hiệu quả tích cực trong điều trị can thiệp. Phương pháp này giúp trẻ tăng khả năng tư duy, vì các ý tưởng trong trò chơi xuất phát từ trí tưởng tượng của trẻ hơn là các tình huống thực tế; mở rộng kiến thức về kỹ năng xã hội cho trẻ…
Không có cơ sở rộng rãi như các cơ sở y tế khác nhưng Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cũng bố trí cho chuyên khoa Tâm thần trẻ em và người già 45 giường bệnh. Các phòng bệnh được thiết kế sạch sẽ, trang bị đầy đủ thiết bị can thiệp. BSCK2. Phạm Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Tâm thần trẻ em và người già cho biết, bệnh viện không chỉ chú trọng phương pháp can thiệp, với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tâm huyết, yêu nghề, mà còn quan tâm đến phục hồi chức năng, giúp trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển ngôn ngữ và các rối loạn cảm xúc khác dễ dàng tái hòa nhập xã hội sau khi ra viện.
Bài và ảnh: NAM GIANG