Print Thứ Năm, 26/12/2019 11:31 Gốc

Thưởng Tết là một khoản tiền người lao động (NLĐ) rất mong chờ vào dịp cuối năm sau thời gian làm việc vất vả. Những năm gần đây, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) chăm lo tốt, thưởng Tết đầy đủ cho NLĐ thì vẫn có những DN dùng chiêu trò để “né” khoản tiền này hoặc chi thưởng ít đi cho NLĐ.

Muôn kiểu né thưởng

Ngày 25.12, chị Nguyễn Thị Thanh Yên từng là công nhân Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy của Cty VMEP (đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, 149 người lao động từng làm việc tại Công ty (Cty) VMEP hiện rất bức xúc về cách hành xử của lãnh đạo.

Tôi đã có hơn 17 năm cống hiến cho Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy của Cty VMEP (đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội). Nhưng với lý do “Chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, công nghệ”, lãnh đạo Cty đã ra thông báo chấm dứt hợp đồng (ngày 7.10) một cách lạnh lùng tới người lao động (NLĐ). Ngày 30.11, Cty đưa ra quyết định chấm dứt lao động với chúng tôi. Kèm theo thông báo là mức thưởng Tết Dương lịch cho người lao động: Mỗi người 100.000 đồng; Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 – người lao động không có thưởng! Chúng tôi quá đau xót, bởi cách hành xử thiếu tình người của lãnh đạo Cty. Bởi, gần một năm lao động khổ cực, đến dịp cuối năm, chúng tôi nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng, các khoản lương thưởng “bèo bọt”, hoặc không có” – chị Yên nói trong nước mắt.

Hiện nay, 149 người lao động đang rất vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Nhiều người còn sức lao động nhưng không kiếm được việc làm phù hợp với tay nghề; người có tuổi, sức khoẻ yếu không làm được xe ôm công nghệ, hoặc lao động nặng… “149 người lao động chúng tôi xác định: năm nay không có Tết” – chị Yên buồn tủi.

Cách đây không lâu, Báo Lao Động từng phản ánh vụ việc công nhân (CN) một Cty điện tử tại tỉnh Nam Định đã tổ chức tụ tập trước cổng Cty này để yêu cầu chủ DN giải quyết chế độ các ngày lễ, Tết. CN yêu cầu Cty phải đưa ra công khai mức thưởng Tết để CN được biết. Tuy nhiên trước khi nghỉ Tết, Cty có nói CN cứ yên tâm về nghỉ Tết, sẽ có tiền thưởng Tết, nhưng khi CN về nghỉ Tết thì đến tận 30 Tết, Cty mới gửi vào tài khoản CN mỗi người 200.000 đồng…

Bà Vũ Thị Minh Phượng – Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hà Nam – cho hay, năm nay CĐ các KCN chưa ghi nhận trường hợp nào, nhưng cách đây 5, 6 năm, có trường hợp 1 DN “né” thưởng Tết cho NLĐ khi đưa ra lý do là làm ăn khó khăn, đơn hàng ít, xuất khẩu kém, hàng lỗi nhiều, phải bù lỗ.

Bà Phượng thừa nhận, mặc dù DN không vi phạm pháp luật khi không thưởng Tết, nhưng thấy NLĐ quá khó khăn nên sau đó, chính quyền và CĐ cùng vào cuộc, thuyết phục, vận động DN cần có thưởng Tết cho NLĐ. Sau đó, DN đồng ý chi 500.000 đồng/người tiền thưởng Tết cho CN. Từ đó về sau, DN luôn có thưởng Tết cho CN, dù ít dù nhiều.

Thưởng Tết tạo động lực cho người lao động

Ông Trần Trọng Thái – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nam Định – nói rằng, nếu xảy ra trường hợp DN sa thải NLĐ trái luật để “né” thưởng Tết là một điều không thể chấp nhận được. “Nếu người sử dụng lao động chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vì NLĐ có hành vi vi phạm rõ ràng là quyền của người sử dụng lao động. Nhưng nếu không đủ căn cứ mà vẫn sa thải NLĐ trước dịp Tết để “né” thưởng Tết thì người sử dụng lao động đã vi phạm luật. Trong trường hợp này, CĐ phải có kiến nghị đối với người sử dụng lao động trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật trước Tết. Nếu người sử dụng lao động không thực hiện theo kiến nghị của CĐ, CĐ cần kiến nghị cơ quan quản lý lao động ở địa phương để xử lý vụ việc” – ông Thái nói.

Theo Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội), do thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong luật hiện hành, vì vậy có nơi thưởng Tết bằng hiện vật hoặc chỉ bằng 50.000 đồng cũng không có vi phạm gì. Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho rằng, dựa trên đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động có thể thưởng cho NLĐ bằng hiện vật. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét tính thiết thực của hiện vật được thưởng đối với cuộc sống của NLĐ hằng ngày. Hiện vật là những thứ mà NLĐ cần, không phục vụ được nhu cầu thiết thực trong cuộc sống của họ thì phần thưởng đó không còn ý nghĩa, giá trị nữa.

Thưởng Tết cũng là một yếu tố rất quan trọng để NLĐ gắn bó lâu dài với DN, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, mức thưởng Tết có khả quan thì NLĐ sẽ có nhiều động lực để làm việc, gắn bó lâu dài với DN, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển cho DN cũng như nền kinh tế của đất nước. Nếu mức thưởng quá ít sẽ dẫn đến hạn chế sự thu hút đầu tư, nhân công… của DN đó, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không đem lại hiệu quả” – luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho biết.

DN có mức thưởng thấp nhất là 30.000 đồng

Sở LĐTBXH Hải Phòng vừa có báo cáo tình hình thưởng Tết năm 2020, doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 30.000 đồng, đó là Công ty TNHH Đông Hải.

Ngoài ra, doanh nghiệp có mức thưởng thấp nữa  Xí nghiệp may xuất khẩu Hải Phòng, với mức tiền là 200.000 đồng. Mức thưởng cao nhất là 170 triệu đồng, thuộc về Công ty Xi măng Chifon Hải Phòng.

PV

Mới có 20 địa phương gửi báo cáo thưởng Tết

Chiều 25.12, ông Tống Văn Lai – Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) – cho biết, đến thời điểm này, mới có hơn 20 địa phương gửi báo cáo, nhưng đều là địa phương nhỏ; các địa phương lớn chưa có báo cáo, nên Bộ LĐTBXH chưa thể đưa ra so sánh được.

Anh Thư (ghi)

Nhóm PV

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cẩn thận “chiêu trò” né  thưởng Tết của doanh nghiệp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác