Print Thứ tư, 13/11/2019 07:27

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế – Methadone bắt đầu thí điểm triển khai từ năm 2008, theo đánh giá của Bộ Y tế, hiệu quả mang lại khá tốt, song hiện tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị còn khá cao. 

Từ tháng 4-2019, Bộ Y tế thí điểm triển khai điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine tại một số tỉnh vùng sâu, vùng xa, hy vọng với ưu thế của loại thuốc này, sẽ giúp cho người bệnh quay trở lại cơ sở điều trị.

Tuân thủ điều trị, không còn  cảm giác “đói” ma túy

Theo Bộ Y tế, từ năm 2008, Bộ Y tế triển khai thí điểm chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Chương trình thí điểm cho thấy điều trị Methadone rất hiệu quả trong việc kiểm soát nghiện heroin, và đã được chấp thuận để mở rộng dịch vụ ra các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Nhiều người ở xa trung tâm y tế đã bỏ điều trị Methadone.

Chương trình điều trị Methadone đã được mở rộng và phát triển nhanh trong những năm qua, tăng từ 1.735 người bệnh với 6 cơ sở điều trị năm 2009 lên đến 52.551 bệnh nhân được điều trị (tính đến hết tháng 6-2019) tại 330 cơ sở điều trị Methadone, đạt trên 65% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg. 

Nếu như giai đoạn 2008-2012, mô hình cơ sở điều trị toàn diện đặt tại tuyến huyện tại 20 tỉnh, TP thì đến nay mô hình cơ sở điều trị tiếp tục được mở rộng, triển khai thêm cấp phát thuốc tại tuyến xã và mở thêm cơ sở điều trị tư nhân, triển khai thêm trong hệ thống ngành LĐ-TB&XH và ngành Công an.

Theo đánh giá của Cục Phòng chống HIV/AIDS, điều trị Methadone làm giảm sử dụng ma túy, không còn tình trạng “đói” ma túy, do vậy mà nhu cầu kiếm tiền bằng bất cứ giá nào kể cả phạm tội để có tiền mua ma túy cũng giảm. Cụ thể, sau 24 tháng sử dụng thuốc Methadone, chỉ có 16% bệnh nhân tiếp tục sử dụng heroin (so với tỷ lệ này trước điều trị là 100%). 

Tỷ lệ sử dụng trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng cũng giảm đáng kể: Trước điều trị, khoảng 49% bệnh nhân sử dụng 5 lần/ngày, 45% sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ 6% sử dụng 1-2 lần/ngày; sau 12 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng nhiều hơn 2 lần/ngày và tỷ lệ này giảm xuống còn 2-3 lần/tháng.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS – PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, chương trình điều trị Mathadone còn làm giảm lây HIV và giảm hành vi vi phạm pháp luật. Qua nghiên cứu, chỉ có 2 trường hợp nhiễm HIV mới /1.000 bệnh nhân và theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố chỉ có 5, thành phố báo cáo phát hiện 1-2 trường hợp nhiễm HIV mới. 

Điều trị Methadone ngăn chặn các hiệu ứng phấn khích do tác dụng ma túy, góp phần điều chỉnh hành vi tâm lý, giảm rõ rệt mẫu thuẫn trong gia đình và ngoài cộng đồng. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, bệnh nhân có hành vi ảnh hưởng đến gia đình giảm từ 90% trước điều trị xuống còn 2,27% sau 24 tháng điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm mạnh, bình quân từ 40,8% xuống còn 1,34% sau 2 năm tham gia điều trị.

Tỷ lệ bỏ điều trị vẫn còn cao

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, một người nghiện ma túy, trung bình chi khoảng 84 triệu đồng/năm cho ma túy, nếu tham gia điều trị Methadone với 10.000đ/ngày, người bệnh chỉ mất khoảng 4 triệu đồng/năm. Rõ ràng mang lại hiệu quả kinh tế và nhiều ưu điểm khác, nhưng theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng Phòng can thiệp dự phòng, Cục Phòng chống HIV/AIDS, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị khá cao, đặc biệt ở khu vực miền núi. 

Nhiều thôn bản ở xa huyện từ 130-150km hoặc xa xã từ 20-70km nên bệnh nhân thường bỏ điều trị sau 1-2 tháng. Đặc biệt, bệnh nhân nhà cách xã 50km bỏ điều trị cao gấp 2 lần. Đây là thực tế nhức nhối khiến cho việc điều trị thuốc thay thế không có hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, theo bà Tâm, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang trình lãnh đạo Bộ Y tế cho chủ trương được cấp thuốc điều trị Methadone tại nhà. 

Cục sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm tại một số tỉnh miền núi và sẽ phải xin ý kiến các tỉnh. “Để làm được điều này, phải xây dựng kế hoạch như: Bệnh nhân nào được mang thuốc về nhà, trong thời gian bao lâu, uống thuốc có đúng mục đích hay không; biện pháp tránh để trẻ em uống nhầm và không làm thất thoát thuốc ra ngoài. Nếu Bộ Y tế chấp nhận chủ trương thì khoảng tháng 1-2020 sẽ lập kế hoạch và khoảng tháng 7-2020 sẽ triển khai thực hiện” – bà Tâm cho biết.

Theo thống kê đến năm 2017, cả nước có 225.852 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó 67,50% người nghiện ở cộng đồng, còn lại là ở cơ sở cai nghiện và trong các trại giam, trại tạm giam. Tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp vẫn không ngừng gia tăng trong các năm gần đây. Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, ngoài Methadone, từ năm 2019-2020 Bộ Y tế triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Buprenorpine tại địa bàn 8 tỉnh. 

So sánh về 2 thuốc Buprenorphine và Methadone qua các nghiên cứu cho thấy: Hiệu quả trong điều trị nghiện của Buprenorphine và Methadone tương tự nhau. Tuy nhiên do tác dụng của Buprenorphine kéo dài nên bệnh nhân chỉ phải đến cơ sở y tế 2-3 ngày một lần ngậm thuốc khi đã đạt ổn định liều trong khi bệnh nhân uống Methadone cần đến cơ sở y tế hàng ngày. Đây là giải pháp để chống bỏ điều trị Methadone hiện nay, đặc biệt thuận lợi đối với những người ở xa, có công ăn việc làm ổn định.

Trần Hằng

Nguồn: Báo CAND

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cần sớm có giải pháp ngăn người nghiện bỏ điều trị Methadone
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác