Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:28

Hiện nay, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được nhiều người dân ở vùng quê, ngoại thành lựa chọn. Tuy nhiên, chính sự nóng vội, thiếu thông tin về hoạt động XKLĐ của người có nhu cầu khiến không ít trung tâm, công ty dùng nhiều “chiêu trò” thu số tiền lớn hoặc lừa đảo người lao động trong lĩnh vực này.

Cẩn trọng kẻo ăn“bánh vẽ”

Tháng 4 vừa qua, anh Phạm Đức Minh ở tổ dân phố Phấn Dũng 3, phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) từ Nhật Bản trở về Việt Nam dù còn 1 năm lao động theo thỏa thuận. Nguyên do phía công ty tại Việt Nam làm dịch vụ XKLĐ chưa gia hạn visa cho năm lao động thứ 3 đối với anh Minh. Đến nay, sau nhiều tháng chờ đợi, anh Minh chưa thể quay trở lại Nhật Bản làm việc, số tiền đặt cọc tại công ty trước khi sang Nhật Bản cũng chưa được hoàn trả.

Một buổi dạy kỹ năng phỏng vấn và ngoại ngữ do Công ty TNHH đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Pitsco tổ chức cho người lao động.

Được biết, anh Minh đi XKLĐ tại Nhật Bản qua Công ty dịch vụ XKLĐ ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội và nhiều “cò mồi” với chi phí gần 10.000 USD. Anh Minh cho biết: Sau khi qua Nhật Bản, công ty đưa đi đâu, người lao động (NLĐ) biết đến đó làm việc, cũng không được lựa chọn ngành, nghề hay thỏa thuận mức lương. NLĐ không được quản lý hợp đồng lao động hay giấy tờ pháp lý nào khác. Thực tế, lao động tại Nhật Bản khác xa “bánh vẽ” do một số công ty, trung tâm dịch vụ XKLĐ tại Việt Nam giới thiệu.

Việc người dân thiếu thông tin về các hoạt động dịch vụ XKLĐ đã và đang tạo kẽ hở để một số cá nhân, doanh nghiệp dùng nhiều “chiêu” để thu  tiền hoặc lừa đảo người dân khi muốn đi XKLĐ. Thực tế, chỉ cần gõ cụm từ “xuất khẩu lao động tại Hải Phòng” trên mạng Google, trong 0,5 giây có hơn 45 triệu kết quả liên quan. Trong đó là website của hàng chục đơn vị giới thiệu hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Tuy nhiên, phần đông đơn vị này có trụ sở tại Hà Nội hoặc tại Hải Phòng, nhưng không được cấp giấy phép XKLĐ, như Trung tâm du học và XKLĐ Nhật Bản Hải Phòng ở phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền), Công ty CP tư vấn và đào tạo Tomato ở phố Quán Nam (quận Lê Chân)…

Ông Bùi Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ cho biết: Tại Hải Phòng, hiện nở rộ các “trung tâm”, “công ty cung ứng lao động” khiến NLĐ dễ bị nhầm lẫn. Bởi thế, không ít NLĐ bị môi giới, lừa gạt những khoản tiền không nhỏ. Đơn cử, khi đi XKLĐ tại Nhật Bản, theo quy định hiện nay, NLĐ không phải đặt cọc tiền tại ngân hàng hay bên thứ ba, tuy nhiên, một số công ty vẫn yêu cầu khoản chi phí này. Do đó, NLĐ khi có nhu cầu đi XKLĐ, nên thận trọng, đến trực tiếp các công ty có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này để được tư vấn, hỗ trợ cụ thể, tránh ăn phải “bánh vẽ” của các đơn vị trung gian, môi giới.

Cụ thể, đầu tháng 9-2017, TAND thành phố xử phạt vợ chồng Vũ Thị Hồng Hạnh, Đỗ Đức Quế ở phố Lê Lai, phường Máy Chai (quận Ngô Quyền) tổng cộng 31 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 2 bị cáo này tung tin có khả năng đưa người đi XKLĐ tại Nhật Bản nhằm chiếm đoạt tài sản. NLĐ chỉ cần nộp 100 triệu đồng cùng một số giấy tờ là được đi lao động tại Nhật Bản với mức lương 25 triệu đồng/tháng, làm việc trong vòng 3 năm, không mất tiền ăn, ở.

Không qua “cò mồi”

Trưởng Phòng Quản lý lao động- Việc làm Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Hữu Cường cho biết: Người lao động tại Hải Phòng chủ yếu lựa chọn đi XKLĐ tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2017, thành phố có 1.500 người đi XKLĐ, năm 2016 con số này là 1.200 người. Tuy nhiên, phần lớn NLĐ đi XKLĐ qua các doanh nghiệp tại Hà Nội chứ không phải Hải Phòng. Theo quy định, các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này chủ động tuyển dụng lao động, không cần qua Sở LĐ-TB-XH địa phương, nên Sở khó quản lý. Thực tế, qua nắm bắt thông tin, Sở ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp thu phí đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài cao quá mức cho phép, có tình trạng “cò mồi”, trung gian.

Thống kê từ Sở Lao động- Thương binh- Xã hội (LĐ-TB-XH), trên địa bàn thành phố có 21 doanh nghiệp được cấp giấy phép đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, tuy nhiên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thuyền viên. Chỉ 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO và Công ty cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng được cấp phép đưa NLĐ đi làm việc tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan.

Trong khi, số liệu khảo sát tại một số đơn vị có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này, các khoản thu theo quy định và các khoản thu khác để đào tạo, đưa một người đi XKLĐ là khoảng 140 triệu đồng. Do đó, khi có nhu cầu đi XKLĐ, người dân cần nắm thông tin chính xác, thận trọng kẻo tiền mất tật mang. Theo quy định, các công ty XKLĐ phải niêm yết công khai giấy phép XKLĐ tại trụ sở đơn vị. Ông Nguyễn Hữu Cường thông tin thêm: Nhu cầu tuyển dụng lao động của thị trường nước ngoài hiện nay rất lớn. NLĐ có quyền lựa chọn ngành nghề, mức lương thỏa thuận với chủ sử dụng lao động. Khi ký kết hợp đồng, cần giữ các giấy tờ hợp đồng pháp lý, bảo đảm quyền lợi sau này. Người dân có thể tìm đến Sở LĐ-TB-XH để được cung cấp thông tin cụ thể trước khi XKLĐ.

Do vậy, để hạn chế các vụ việc lừa đảo, thu tiền dịch vụ XKLĐ giá cao, cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân, chính Bộ LĐ-TB-XH, Cơ quan công an và chính quyền địa phương cần siết chặt quản lý, mạnh tay xử phạt nghiêm các hành vi sai phạm trong hoạt động XKLĐ.

Bài và ảnh: Tuệ Minh –  Báo Hải Phòng ngày 15/06/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cần siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác