Print Thứ Tư, 27/04/2022 22:00 Gốc

Chiều 27/4 tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có cán bộ lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Về phía thành phố có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân dự và phát biểu chào mừng Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Nhấn mạnh về việc cần phải đổi mới chính sách đãi ngộ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định: Giáo dục đào tạo hiện đang đóng vai trò quan trọng, nhất là khi chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, vị trí của nhà giáo được khẳng định chính là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục và được nhà nước tôn vinh. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ một số bất cập tồn tại qua 2 đợt xét tặng theo Nghị định số 27 vừa qua. Theo Thứ trưởng, thực hiện đổi mới chính sách, đãi ngộ và xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chính là một khâu then chốt. Điều này thể hiện sự chăm lo, quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với ngành giáo dục nói riêng và đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói chung.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân cho biết, sau nhiều năm thực hiện đổi mới sự nghiệp Giáo dục đào tạo, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển GDĐT. Công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh Giỏi quốc gia của thành phố luôn đạt kết quả cao và đứng trong tốp đầu của cả nước. Hải Phòng cũng có nhiều chính sách để phát triển GDĐT, trong đó có chính sách khuyến học, khuyến tài, đầu tư cơ sở vật chất, củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp, các chế độ khen thưởng đặc biệt cho học sinh giỏi, giáo viên giỏi; chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố…Cùng với đó, thành phố xây dựng được đội ngũ nhà giáo vừa đảm bảo về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức. Đến nay, ngành GDĐT thành phố có 08 Nhà giáo Nhân dân và 165 Nhà giáo Ưu tú.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT của 63 tỉnh, thành phố về dự Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hải Phòng. Phó Chủ tịch bày tỏ mong muốn, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có những cơ chế chính sách đủ mạnh để phát triển ngành GDĐT, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dự thảo Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, có 5 chương, 21 điều. Trong đó có nhiều vấn đề sửa đổi, bổ sung, thay thế cần xin ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại Hội thảo, đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trao đổi thảo luận cho ý kiến về các nội dung như: Điều kiện, cách tính thành tích và tiêu chuẩn danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với cán bộ quản lý; cách tính thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; các trường hợp nhà giáo đã vi phạm kỷ luật; tính quy đổi thời gian trực tiếp giảng dạy đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy đủ định mức theo quy định của pháp luật; quy đổi tương đương danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” đối với giáo viên THPT; việc bổ sung ưu tiên nhà giáo, cán bộ quản lý giảng dạy, giáo dục học sinh khuyết tật; mức chi cho hoạt động xét tặng danh hiệu và nhiều nội dung quan trọng khác… Các đại biểu bày tỏ mong muốn sớm có Nghị định thay thế để các tỉnh, thành phố thuận lợi trong công tác khen thưởng.

Cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh mong muốn các ý kiến đóng góp tiếp tục tập trung đến khắc phục bệnh thành tích khi thực hiện, xem xét, rà soát lại để thấy được những đóng góp cống hiến của thầy cô một cách thấu đáo nhất trong quá trình xét tặng để kịp thời khích lệ động viên những đối tượng là giáo viên trực tiếp giảng dạy. Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo, trình Chính phủ, Thứ trưởng mong muốn các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các tầng lớp Nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định.

Tính từ năm 1986 đến năm 2020, nhà nước đã trải qua 15 lần xét tặng và Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng cho 650 Nhà giáo Nhân dân và 9.081 Nhà giáo Ưu tú. Triển khai Nghị định số 27 của Chính phủ từ năm 2015 đến nay (đợt 1vào năm 2017 và đợt 2 vào năm 2020) đã tổ chức được 2 đợt xét tặng danh hiệu vinh dự này. Trong đó có 82 Nhà giáo Nhân dân và 1.665 Nhà giáo Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.

Minh Hảo

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cần phải đổi mới chính sách đãi ngộ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác