Để kiềm chế và giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường huyết mạch, Thành phố Hải Phòng đã thi công xây dựng một số cầu vượt tại các nút giao thông có mật độ phương tiện giao thông lớn, phức tạp như: vòng xuyến Hồ Sen – Cầu Rào 2, Ngã tư Lê Hồng Phong – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngã ba Lê Thánh Tông – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Đình Vũ.
Đây là những cây cầu vượt được thiết kế dành cho xe ô tô với chiều rộng mỗi chiều cho 2 làn xe ô tô, không có làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ. Mặc dù ở hai đầu cầu đều có biển “cấm xe máy, xe thô sơ lên cầu”, nhưng một số người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy và cả xe thô sơ vẫn không chấp hành, cố tình đi lên cầu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông với các xe ô tô đang lưu thông trên cầu.
Tại Khoản 1, Điều 11 , Luật giao thông đường bộ quy định: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
Tại Điểm i, khoản 3, Điều 6 Nghị định 100/2019 NĐ-CP phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi vi phạm: Đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển. Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm b, khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019 NĐ-CP).
Tại điểm c, khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp , xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) thực hiện hành vi: Đi vào đường có biển báo hiệu nội dung cấm vào đối với loại phương tiện đang điều khiển.
Với các quy định cụ thể theo Nghị định 100/2019/NĐ- CP của Chính phủ đối với việc xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện sẽ giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm hơn trong việc chấp hành Luật giao thông đường bộ vì sức khỏe, tính mạng của mình cũng như của các phương tiện tham gia giao thông khác.