Thực tế hiện nay cho thấy có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do người điều khiển phương tiện không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước, gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng cũng như tài sản của chính mình và những người cùng tham giao thông, đồng thời cũng để lại những hệ lụy lâu dài cho người thân, gia đình và xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên một phần là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện đã không nhận thức được mức độ nguy hiểm đối với hành vi của mình.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe như sau:
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trong biển báo.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định: Người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi; Không chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông thì sẽ bị xử phạt cụ thể như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô theo (điểm a, khoản 7, Điều 5). Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy theo (điểm a, khoản 7, Điều 6). Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện xe cơ giới còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Như vậy khi lưu thông trên đường người điều khiển phương tiện ngoài việc phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ, còn phải chủ động giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền kề phía trước để có thể xử lý kịp thời những tình huống đột xuất khi đang tham gia giao thông.