Print Thứ Hai, 16/10/2023 15:59 Gốc

Về vấn đề sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA, doanh nghiệp cần lưu ý như sau:

Tính đến tháng 8 năm 2023, Việt Nam đã ký kết 16 FTA với các đối tác, một số FTA đang trong quá trình đàm phán. Bản chất của FTA là xóa bỏ hàng rào thuế quan và ngay lập tức thị trường Việt Nam sẽ được mở cửa hàng hóa. Nếu như trong WTO, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm thuế cho khoảng 1/3 số dòng thuế thì trong hầu hết các FTA đã ký, Việt Nam cam kết xóa bỏ tới 80- 90% số dòng thuế. Như vậy, với mức độ mở cửa lớn hơn, hàng hóa từ các nước đối tác FTA của Việt Nam có thể dễ dàng vào thị trường Việt Nam hơn mà không phải chịu các rào cản về thuế, đồng thời, việc các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng có xu hướng gia tăng. Điều này khiến sức ép về cạnh tranh với hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất của Việt Nam rất lớn. Trong bối cảnh đó, phòng vệ thương mại (PVTM) là biện pháp duy nhất được cho phép trong FTA mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng để bảo vệ mình hoặc tạm thời giảm áp lực bởi sự gia tăng của hàng nhập nhẩu để có thời gian phục hồi và tự điều chỉnh.

Trên cơ sở đó, việc nắm được các quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA là vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong từng hiệp định và trong các hiệp định khác nhau để đảm bảo rằng trong trường hợp khởi kiện, doanh nghiệp hiểu được quy trình điều tra sẽ gồm các bước nào, điều kiện cần đáp ứng là gì, quyền và nghĩa vụ của mình là gì… để có thể phối hợp với cơ quan điều tra tốt nhất, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Ngoài việc nắm rõ quy định về phòng vệ thương mại trong FTA, doanh nghiệp cần ý thức toàn diện và sâu sắc về các công cụ phòng vệ thương mại có trong tay. Hiện tại, Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO, thông lệ quốc tế, để tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh thực thi FTA.

Các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại mà FTA cho phép, để vừa tranh thủ những lợi ích mà FTA mang lại, vừa có thể bảo vệ được lợi ích của mình trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

Để sử dụng công cụ phòng vệ thương mại có hiệu quả trong bối cảnh các FTA, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau đây:

– Nắm rõ quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA của Việt Nam, đặc biệt các FTA liên quan đến các nước đối tác mà doanh nghiệp có ý định khởi kiện.

– Nắm và hiểu rõ quy định về phòng vệ thương mại của WTO và Việt Nam.

– Thu thập và chuẩn bị sẵn sàng các số liệu, bằng chứng về việc hàng hóa nước ngoài bán phá giá hoặc có sự gia tăng đột biến và thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất của mình ( với các yếu tố chứng minh thiệt hại theo quy định) để đảm bảo đơn kiện được chấp thuận.

– Chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực cần thiết cho việc theo kiện ( cả về tài chính và nhân lực), bởi một vụ kiện thường kéo dài, với những đòi hỏi cao về bằng chứng, lập luận.

– Thuê luật sư tư vấn để hỗ trợ việc khởi kiện, bao gồm: tập hợp bằng chứng, dữ kiện, lập hồ sơ… trong trường hợp cần thiết.

– Tập hợp các doanh nghiệp trong ngành cùng phối hợp thu thập số liệu và đứng đơn kiện. Phòng vệ thương mại là một công cụ “tập thể” được trao cho các ngành sản xuất nhằm bảo vệ cả ngành của mình trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài. Vì vậy một doanh nghiệp đơn lẻ không thể đứng đơn kiện hay sử dụng công cụ này, ngoại trừ trường hợp bản thân doanh nghiệp đó là đại diện của ngành.

– Vai trò của Hiệp hội ngành hàng rất quan trọng trong việc tăng cường kết nối các doanh nghiệp tham gia và trực tiếp tham gia cùng với doanh nghiệp sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.

Tại Việt Nam, từ ngày 18/8/2017, cơ quan thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại là Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương. Với chức năng của mình. Cục Phòng vệ thương mại trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, khiếu kiện của doanh nghiệp để xem xét, tiến hành khởi xướng điều tra các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng nhập khâu nước ngoài vào Việt Nam . Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp các quy định phòng vệ thương mại của WTO, của các nước trên thế giới và trong các FTA… khi doanh nghiệp có yêu cầu. Các hiệp hội và doanh nghiệp cũng có thể nhận được hướng dẫn, thông tin tham khảo về các vấn đề liên quan đến khởi kiện như việc chuẩn bị hồ sơ… từ Cục Phòng vệ thương mại.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cần lưu ý điều gì về sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA?   
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác