Print Thứ Bảy, 11/11/2023 10:50 Gốc

Chuyên gia cho rằng, cần có giới hạn cụ thể về nồng độ cồn để áp dụng chế tài xử phạt vi phạm giao thông.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 10.11, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn để xử phạt.

Cụ thể, Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, trong dự thảo Luật cần quy định rõ nồng độ cồn là bao nhiêu mới xử phạt. Cần nghiên cứu một tỉ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn thì bị xử phạt.

Thông tin này đang nhận được nhiều quan tâm và bàn luận.

Trên thực tế, đây là điều nhiều quốc gia trên thế giới đã làm khi có khung áp dụng cụ thể về tỉ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

Một chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Tô Thế.

Theo website của ĐH Khoa học và Công nghệ Okinawa, ở Nhật Bản, nồng độ cồn 0,15 mg/1l khí thở, người lái xe đã bị xác định vi phạm lái xe trong tình trạng ảnh hưởng DUI, có thể bị phạt tù có lao động tới 3 năm cùng phạt tiền tới 500.000 Yên (3.709 USD). Mức vi phạm lái xe trong khi say DWI (lớn hơn DUI) có thể bị ngồi tù có lao động đến 5 năm và phạt tiền lên đến 1 triệu Yên (7.419 USD). Bên cạnh đó, người đưa phương tiện cho người say rượu lái cũng có thể bị truy tố và phạt hành chính.

Singapore cho phép lái xe ở giới hạn 35 microgam cồn trên 100ml khí thở hoặc 80 miligam cồn trên 100ml máu. Đạo luật Giao thông Đường bộ Singapore quy định, tài xế có thể bị kết tội lái xe khi đã uống rượu bia nếu vượt quá giới hạn cho phép về nồng độ cồn.

Một số nước khác cũng có quy định cụ thể về nồng độ cồn trong máu. Canada cho phép không vượt quá giới hạn 0,08%, Australia là 0,05%, Na Uy là 0,02%.

Tôi cho rằng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã hỗ trợ rất nhiều trong việc răn đe, tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dù vậy, cần có những sửa đổi để có thể đi sâu hơn vào đời sống. Cụ thể, đó là giới hạn chi tiết về mức nồng độ cồn cho phép, cả ở đo lường theo khí thở hay theo máu. Từ đó, có khung pháp lý rõ ràng để đưa ra chế tài xử phạt. Ta phải lượng hóa trong việc áp dụng, nếu không sẽ dễ sa đà vào cảm tính chủ quan”, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Công ty Luật TNHH Thái Hà) nêu quan điểm.

Ông Hải lấy dẫn chứng, nhờ quy định xử phạt nghiêm khắc, Nhật Bản nằm trong top 10 nước có tỉ lệ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thấp nhất thế giới. Ở Trung Quốc, tỉ lệ lái xe trong tình trạng say rượu đã giảm 70% do áp dụng chế tài phạt tù. Đó là hai nước châu Á với phong tục, truyền thống và văn hóa có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

Tôi đồng ý với quan điểm phải xác định rõ giữa hai khái niệm ‘có nồng độ cồn’ và ‘có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép’. Tôi nghĩ nếu nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, dù khi thổi cho thấy kết quả nào, nên chỉ có một khung xử phạt, và phải đủ nặng để răn đe“, ông Hải nói thêm.

Quý An

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cần làm rõ nồng độ cồn bao nhiêu thì bị xử phạt
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác