Quận Hải An nằm ở phía Đông của thành phố Hải Phòng với gần 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đang phải cạnh tranh khá khốc liệt để duy trì và từng bước phát triển. Phóng viên Báo An Ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tiến Dũng-Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An về những thách thức của các doanh nghiệp.
Khu CN Đình Vũ nằm trên địa bàn quận Hải An với hơn 70 nhà đầu tư
PV: Xin ông cho biết đôi nét về hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An?
Ông Trần Tiến Dũng: Hiện Hiệp hội có 133 hội viên, hoạt động trên các lĩnh vực như vận tải, giao nhận, cảng biển, kho bãi, đóng tàu, cơ khí, xây dựng, dịch vụ…
Và theo quy hoạch phát triển KTXH của quận Hải An thì sẽ giảm tỷ trọng trong lĩnh vực thuỷ sản do quỹ đất bị thu hẹp, không đủ quy mô để xây dựng các mô hình hiện đại, nâng cao năng suất, đồng thời tăng tỷ trọng dịch vụ.
Trong thời gian qua, Hiệp hội đã luôn nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các hội viên, đặc biệt là những khó khăn vướng mắc, từ đó tổng hợp các kiến nghị, phối hợp các cơ quan chức năng tháo gỡ, giải quyết cho các doanh nghiệp. Đơn cử như việc cho phép xe tải hoạt động bình thường trên tuyến đường 353 đã tiết kiệm hơn 8 tỷ đồng/tháng cho các doanh nghiệp.
Hay như việc thành phố chấp thuận miễn, giảm tiền thuê đất cho một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi thi công cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Về công tác xã hội, Hiệp hội cũng vận động các hội viên tặng 176 túi quà trị giá 53 triệu đồng tới các hộ nghèo trên địa bàn quận trong dịp tết cổ truyền 2018, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp không ít khó khăn
PV: Số hội viên tham gia Hiệp hội dường như khá khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, thưa ông?
Ông Trần Tiến Dũng: Đây cũng là trăn trở bấy lâu nay của chúng tôi. Một phần là do các doanh nghiệp lớn đã tham gia các Hiệp hội của TƯ và thành phố nên không mặn mà với Hiệp hội địa phương. Điều này cũng “làm khó” cho Hiệp hội doanh nghiệp Hải An mỗi lần muốn tập hợp thêm sức mạnh cộng đồng để có tiếng nói chung cho ngành nghề.
Mặt khác, thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phải đối mặt với thực tế cung lớn hơn cầu, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Có doanh nghiệp đã phải giảm giá dịch vụ để tồn tại, khả năng thu hồi vốn là rất lâu, thậm chí đã có trường hợp phải phá sản.
Bởi vậy, Hiệp hội cũng tăng cường các hội nghị đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo nhằm cung cấp những thông tin hữu ích tới các hội viên, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
PV: Những định hướng hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới là gì thưa ông?
Ông Trần Tiến Dũng: Người xưa có câu “Buôn có bạn, bán có phường”, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng tôi rất mong có sự phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội khác trên địa bàn thành phố để từ đó tăng tính kết nối, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, ổn định và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các hội viên trong Hiệp hội cũng rất cần những thông tin về cơ hội cũng như thách thức, cảnh báo đối với một số lĩnh vực đầu tư hậu cần sau cảng như vận tải, kho bãi, logictics… khi cảng Lạch Huyện chính thức đi vào khai thác, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Từ nay đến hết năm 2018, chúng tôi cũng cố gắng phát triển thêm 10 hội viên mới và mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm của thành phố, quận Hải An và các sở, ban, ngành để tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho hàng chục ngàn lao động.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Kim Oanh thực hiện – An ninh Hải Phòng 26/09/2018