Một trong những điểm đáng chú ý nhất của bản tổng hợp số liệu thống kê từ các địa phương gửi về cho Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm tháng 5 là số hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tăng mạnh. Trong tháng 5, trên cả nước có 109.593 người nộp hồ sơ xin được hưởng TCTN.
Con số này tăng bằng 170% số hồ sơ bình quân năm 2018, đưa tổng số người nộp hồ sơ xin TCTN trên cả nước 5 tháng đầu năm 2019 là 335.982 người, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018 (287.463 người).
Liên tục tăng số người hưởng trợ cấp
Theo số liệu của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm trong tháng 5, tổng số người có quyết định được hưởng TCTN là 99.842 người, tăng 44,4% so với tháng 4 (68.665 người). Trong đó, 21.359 người có quyết định hưởng TCTN với thời gian từ 7-12 tháng, chiếm 21,4% so với tổng số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng, đưa tổng số người có quyết định hưởng TCTN trên cả nước 5 tháng đầu năm 2019 lên 288.836 người, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018 (243.941 người).
Đáng chú ý, có đến 60/63 địa phương có số người nộp hồ sơ tăng. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng… là những địa phương có số lượng hồ sơ tăng nhiều nhất. Điển hình như TP Hồ Chí Minh, có tới 20.353 người nộp hồ sơ hưởng TCTN, tăng 5.377 người. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý là từ đầu năm 2019 đến nay, con số về lượng người làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp liên tục tăng qua từng tháng.
Theo phân tích từ Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm thì nguyên nhân là do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên tiến hành cắt giảm lao động. Đồng thời, còn do phần lớn người lao động nghỉ việc để tìm hướng chuyển sang những doanh nghiệp có mức lương và môi trường làm việc tốt hơn. Mặt khác, theo quy luật hằng năm, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng dần từ tháng 3; mặt khác, do số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng so với những năm trước dẫn tới số người đủ điều kiện hưởng TCTN tăng.
Tình trạng gia tăng số người nộp hồ sơ xin hưởng TCTN liệu có phản ánh tình trạng thất nghiệp cũng đang gia tăng? Cũng theo số liệu của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm thì tháng 5 vừa qua chỉ có 9/63 Trung tâm Dịch vụ việc làm không có người lao động thất nghiệp được giới thiệu việc làm. Một số địa phương có tỉ lệ người được tư vấn, giới thiệu việc làm cao trên cả nước như: Đồng Tháp (8.931 lượt người, bằng 600% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN); Lào Cai (895 lượt người, bằng 585%); Phú Thọ (4.476 lượt người, bằng 400%)…
Số người đến các trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh.
Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lao động Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng ổn định, tuy nhiên theo dõi 3 quý liên tiếp cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp dài hạn có xu hướng gia tăng. “Nguyên nhân là do công việc mới đòi hỏi phải có tay nghề, nên lao động phải đi đào tạo với thời gian dài hơn.
Bên cạnh đó, thị trường lao động có xu hướng ổn định, ít lao động nhảy việc, nên việc tuyển dụng lao động cũng khắt khe hơn. Do đó, việc kết nối giữa các trung tâm dịch vụ việc làm và đơn vị sử dụng lao động cần khớp nối trong cung – cầu thị trường lao động”, ông Vinh phân tích.
Nghịch lý đăng ký học nghề
Theo ông Lê Quang Trung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Việc làm để sớm trình Quốc hội thông qua Luật Việc làm sửa đổi, trong đó có nội dung về Bảo hiểm thất nghiệp.
Việc sửa đổi sẽ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung các chính sách, biện pháp để duy trì việc làm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn nhằm tránh sa thải lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. “Dù số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, nhưng thực tế là chính sách Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ sau khi thất nghiệp chứ chưa có nhiều biện pháp chủ động để giúp người lao động duy trì việc làm và tránh thất nghiệp.
Đáng chú ý, có không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề”, ông Trung cho biết.
Là đơn vị cung ứng dịch vụ việc làm và thực hiện chi trả chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thừa nhận có tình trạng người thất nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc học nghề. Theo bà Liễu, bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách rất nhân văn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động. “Hầu hết người lao động đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề miễn phí.
Tuy nhiên, thực tế là số lao động đăng ký chuyển đổi nghề nghiệp, học nghề chưa được nhiều so với kỳ vọng. Đáng chú ý, trong số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thì lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên còn chiếm tỷ lệ cao”, bà Liễu cho biết.
Lý giải về những nguyên do khiến người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa “mặn mà” với hỗ trợ học nghề, bà Liễu cho rằng, người lao động chưa có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp vì thời gian đào tạo ngắn, số tiền hỗ trợ học nghề tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng, thời gian tối đa không quá 6 tháng đối với người lao động.