Print Thứ Ba, 04/06/2019 01:02

NDĐT – Cho đến thời điểm này, dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã triển khai được hơn 10 năm, nhưng các khoản Nhà nước cam kết trả cho nhà đầu tư (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam -VIDIFI) vẫn chưa được thực hiện, có nguy cơ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính dự án, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư.

Cần giải quyết sớm khoản vay hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Khoản nợ phát sinh 800 tỷ đồng – ai trả?

Năm 2007, dự án quốc lộ 5 mãn tải, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thường trực Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì huy động vốn và thành lập VIDIFI để thực hiện đầu tư hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.

Cụ thể, đối với phần tham gia trực tiếp của Nhà nước, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 4.069 tỷ đồng, VIDIFI vay VDB để chuyển toàn bộ cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ năm 2008-2010. Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD), Chính phủ bảo lãnh cho VDB vay vốn và cho VIDIFI vay lại để thực hiện dự án. Nhà nước sẽ trả dần các khoản nợ gốc của các khoản vay trên khi đến hạn theo hợp đồng vay (thời gian từ 13 đến 30 năm) và một phần vốn tham gia của Nhà nước được bố trí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường (khoảng 5.200 tỷ đồng).

Dự án được khởi công ngày 19-5-2018, hoàn thành, khai thác toàn bộ vào ngày 5-12-2015, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán ba đợt tại dự án, kết luận suất đầu tư xây dựng tuyến đường (quy về bốn làn xe, không gồm chi phí lãi vay) tương đương các đường cao tốc khác. Tính từ thời điểm dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bắt đầu triển khai đến nay đã hơn 10 năm, nhưng các khoản Nhà nước cam kết trả cho VIDIFI theo cơ chế thí điểm của Thủ tướng (Quyết định 746/2015/QĐ-TTg) vẫn chưa được thực hiện.

Quyền Tổng Giám đốc VIDIFI Trần Anh Tú cho biết, hiện tại, VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay VDB các khoản tham gia hỗ trợ của Nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%. Tính đến cuối 2018, chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 746 chưa được thực hiện ước tính khoảng 800 tỷ đồng.

“Nếu chậm ngày nào, khoản lãi vay này sẽ tiếp tục lãi phát sinh quá hạn định mức và tăng lên vài nghìn tỷ đồng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm chi trả, doanh nghiệp hay Nhà nước chịu? Nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không nhanh chóng được cấp, sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp dự án phá sản,” đại diện lãnh đạo VIDIFI bày tỏ sự lo lắng.

Trong trường hợp không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh, đại diện VIDIFI cho rằng sẽ ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam, (dự án đã được sáu định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay gồm Keximbank, Kfw, Citi Bank Japan, Sumitomo Mitsui Banking, MUFG Bank, Sumitomo Trust & Banking).

“Khi VIDIFI vay vốn nước ngoài, phương án tài chính được duyệt của dự án đã được gửi cho các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó thể hiện thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án. Vì vậy, các tổ chức này rất quan tâm đến tính khả thi của phương án tài chính và khả năng hoàn trả vốn vay đến hạn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tình hình thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án,” ông Trần Anh Tú nhấn mạnh.

Lo ngại ảnh hưởng môi trường đầu tư

Hiện tại, VIDIFI đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về tình hình thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn chưa thể tháo gỡ, dù Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng đã có chỉ đạo hết sức rõ ràng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 334/TB-VPCP ngày 3-8-2018 chỉ đạo các bộ, ngành liên quan: “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020 và các thời kỳ tiếp theo để thanh toán các khoản hỗ trợ vốn cho VIDIFI đầu tư dự án theo quy định của Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (khoảng 4.069 tỷ đồng) và trả nợi gốc khi đến hạn của hai khoản vay nước ngoài”.

Vừa qua, tại văn bản số 209/BC-BCA-ANKT ngày 3-4-2019, Bộ Công an cũng đã báo cáo Chính phủ: “Mặc dù đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, nhưng đến nay, nhiều cơ chế hỗ trợ cho dự án theo Quyết định 746/QĐ-TTg chưa được thực hiện, dẫn đến dự án gặp nhiều khó khăn trong phương án hoàn vốn, có thể làm phá vỡ phương án tài chính của dự án; đặc biệt, không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh, ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam”.

Từ tình hình trên, Bộ Công an đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án, không làm ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Ngay trong kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV này, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn các dự án quan trọng quốc gia cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tuy nhiên, qua rà soát, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận thấy phương án bố trí hơn 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là quá cao.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khoản tiền hơn 4.000 tỷ của VIDIFI là khoản cam kết của Chính phủ, đã được xác định là nợ của T.Ư thuộc ngân sách phải trả và chậm trả ngày nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngày đó. “Nếu Quốc hội thấy tỷ lệ để trả nợ quá cao thì chúng tôi hoàn toàn chấp hành ý kiến của Quốc hội, sẽ xem xét, rà soát để giảm bớt tỷ trọng đó, dành ưu tiên cho một số công trình cấp bách hay xử lý một số công việc khác, một phần trả cho VIDIFI chứ không sử dụng hết hơn 4.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng đề xuất.

Ngày 3-6, Quốc hội thảo luận về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc xem xét đề xuất của Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ngày 6-6 tới, Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu về nội dung này.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, nên dành 4.000 tỷ đồng đó cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bởi đã kiểm định, giám sát, tính toán và khoanh khoản nợ này. Nếu để khoản nợ thì một năm Nhà nước phải bỏ ra chi phí lãi vay lên tới 400 tỷ đồng bởi lãi suất hiện nay là 9,1%.

Đại diện VIDIFI cho biết, trong đề án tái cơ cấu VDB báo cáo Bộ Chính trị các khoản cam kết tham gia của Nhà nước vào dự án theo Quyết định số 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại văn bản số 6726-CV/VPTW ngày 25-5-2018, Bộ Chính trị đã chỉ đạo “giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ bố trí ngân sách Nhà nước cấp đủ những khoản thuộc trách nhiệm của ngân sách theo cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Theo ý kiến của một chuyên gia, do ngân sách hiện còn hạn hẹp, Nhà nước nên cân đối nguồn vốn và có thể chi trả trước một phần trong tổng số hơn 4.000 tỷ đồng để giải quyết khó khăn cho VIDIFI, sau đó bố trí trả dần theo đúng cam kết. Nguyên lý phân phối quản lý ngân sách và chi tiêu phải nên ưu tiên trả nợ trước, sau đó mới đến bố trí vốn đầu tư các dự án khác để tránh lún sâu vào nợ nần.

MINH TRANG

Nguồn. Báo Nhân dân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cần giải quyết sớm khoản vay hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác