Hồ sông Giá có chiều dài khoảng 8km kéo dài từ khu vực Phi Liệt (xã Lại Xuân) đến đập Minh Đức (thị trấn Minh Đức), đang trực tiếp phục vụ nước tưới tiêu cho khoảng 12.400ha đất canh tác nông nghiệp, 600ha nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 300.000 dân huyện Thủy Nguyên và cho các nhà máy, khu công nghiệp. Đây cũng là con sông được đánh giá hiện có chất lượng nguồn nước ngọt tốt và sạch nhất thành phố.
Tuy nhiên, thời gian qua, sông Giá bị một số hộ dân tự ý lập những bãi tắm tự phát, xây dựng các công trình, vật kiến trúc vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngay khi tiếp nhận thông tin, trong tháng 7 và 8/2023, UBND huyện Thủy Nguyên đã quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương nhanh chóng xử lý để dẹp bỏ…
Lấn lòng sông làm… bãi tắm
Báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên cho thấy, trên toàn kênh trục chính hồ sông Giá hiện có 5 công trình bãi tắm tự phát (trong đó đoạn qua xã Ngũ Lão có 4 công trình, đoạn xã Hòa Bình 1 công trình). Cụ thể, tại xã Ngũ Lão, Công ty đã phối hợp với UBND xã xác định hiện trạng và khu vực xây dựng công trình bãi tắm tự phát tại 4 vị trí của các hộ gia đình gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Ca, Đỗ Thị Nguyên (cùng ở thôn 6); Nguyễn Văn Tuyến và Vũ Văn Đông (thôn 7). Tại xã Hòa Bình có 1 trường hợp của ông Hoàng Văn Hào, ở thôn Hà Phú. Hiện tất cả các bãi tắm tự phát này hiện đều bị cấm hoạt động.
Có mặt tại 1 bãi tắm tự phát thuộc thôn 6, xã Ngũ Lão, PV Chuyên đề An ninh Hải Phòng ghi nhận, công trình bãi tắm gồm nhiều hạng mục được hộ dân xây dựng như mái tôn, bờ sân gạch, nhà vệ sinh, bậc lên xuống, ghế đá cùng nhiều loại cây xanh…
Toàn bộ những hạng mục này đã được Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên và UBND xã Ngũ Lão lập biên bản, xác định nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh trục chính hồ sông Giá. Theo quan sát, mỗi bãi tắm đều xâm lấn ra lòng sông hàng chục đến hàng trăm mét vuông. Ngoài ra, các bãi tắm tự phát còn xây bờ kè, đổ bê tông tạo thành những khoảng sân rộng để bày bàn ghế phục vụ nhu cầu vui chơi, hóng mát của khách…
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Ngũ Lão cho hay, các bãi tắm này đều tự phát xây dựng từ trước năm 2018. Về nguồn gốc, những vị trí trên đều là đất đấu thầu của một số hộ dân với chính quyền địa phương. Ban đầu, các hộ gia đình trên trồng rau màu và cây ăn quả trên những bãi bồi ven sông.
Tuy nhiên, do nhu cầu vui chơi, giải trí và bơi lội của người dân, các hộ dân tự ý thuê người bơm, hút bùn cát từ chính lòng sông Giá tạo thành những bãi tắm tự phát, có điểm khi khách đến thu tiền dịch vụ, cho thuê áo phao…
Có thể thấy, thời tiết nắng nóng, nhiều người lớn, trẻ nhỏ tìm đến các bãi tắm tự phát để “giải nhiệt”, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra. Bởi các bãi tắm ao, hồ, sông, suối tự phát đều không có người quản lý và cứu hộ, vì vậy không bảo đảm an toàn. Những bãi tắm tự phát này tiềm ẩn nguy cơ bị đuối nước, để lại những hậu quả khó lường.
Mới đây nhất, vào ngày 20/5, chính quyền thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên nhận tin báo về trường hợp bị đuối nước, mất tích tại khu vực huấn luyện đua thuyền ở sông Giá.
Nạn nhân là anh V.V.Q (20 tuổi, trú tại Yên Thành, Nghệ An), là công nhân một công ty trên địa bàn thị trấn Minh Đức ra khu vực sông Giá, đoạn chảy qua đập Minh Đức để tắm, sau đó bị đuối nước và mất tích.
Đến 21h22 cùng ngày, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy gần khu vực gặp nạn. Ngoài ra, các bãi tắm này còn gây ảnh hưởng đến chất lượng nước và dòng chảy của hồ sông Giá.
Kiên quyết dẹp bỏ
Được biết, trước tình trạng các bãi tắm tự phát xuất hiện trên sông Giá thời gian qua, UBND huyện Thủy Nguyên đã khẩn trương tổ chức cuộc họp gồm các phòng ban chuyên môn, các địa phương nơi sông Giá chảy qua.
Huyện đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra thực tế tại các địa phương nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các công trình vi phạm, bảo vệ nguồn nước ngọt tại sông Giá. Ngày 13/3, UBND huyện ban hành thông báo số 442/TB-UBND về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Viển tại cuộc họp nghe báo cáo về việc xử lý các trường hợp xây dựng bãi tắm tự phát.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế và Hạ tầng, Tư pháp, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện rà soát, kiểm tra các trường hợp tự ý san lấp, đổ bê tông, xây dựng công trình; các bãi tắm, bể bơi tự phát và các trường hợp nuôi thủy sản lồng, bè… ven sông Giá thuộc địa bàn quản lý; xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm, tính chất, mức độ, đối tượng, hành vi vi phạm; lập hồ sơ, tổ chức xử lý từng trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Đối với các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, Phó chủ tịch huyện yêu cầu khẩn trương hoàn thiện gửi báo cáo, đề xuất, kèm theo hồ sơ về UBND huyện để chỉ đạo xử lý dứt điểm.
“Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện là nhất quyết không để xảy ra buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Viển khẳng định.
Theo ghi nhận của PV Chuyên đề An ninh Hải Phòng, trong tháng 7 và 8 vừa qua, các cơ quan chức năng, các xã của huyện Thủy Nguyên đã và đang khẩn trương, tích cực triển khai xử lý các công trình vi phạm trên.
Tại xã Ngũ Lão, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã cho hay, địa phương đã phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên lập biên bản, xác định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh trục chính hồ sông Giá đối với 4 trường hợp lập bãi tắm tự phát trên địa bàn.
Trước mắt, xã giao lực lượng Công an xã, địa chính kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc dừng hoạt động các bãi tắm tự phát, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, mất an toàn đối với người dân. Các hộ đều viết cam kết dừng hoạt động.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp vận động người dân tự tháo dỡ, giải tỏa các công trình, vật kiến trúc vi phạm. Được biết, ngoài xử lý các bãi tắm tự phát trên địa bàn, trong tháng 7/2023, UBND xã Ngũ Lão còn xử lý, dừng hoạt động đối với một cơ sở tự ý dựng lều bạt, nhà vệ sinh bằng gỗ để thu hút khách tới cắm trại và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cơ sở này nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh trục chính hồ sông Giá.
Đối với trường hợp tự ý xây dựng bãi tắm tự phát của ông Hoàng Văn Hào tại xã Hòa Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Nguyễn Duy Tuyên cho biết, hiện hộ ông Hào đã tự tháo dỡ toàn bộ các dây phao, cầu và dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh bến tắm. Gia đình cam kết không cho người dân vào tắm tại bến khu vực tiếp giáp với phần đất gia đình đang quản lý. “Qua kiểm tra của UBND xã, gia đình ông Hào không còn hoạt động kinh doanh bến tắm”, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Nguyễn Duy Tuyên cho biết.
Được biết, từ ngày 6/12/2013, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố. Trong đó, có nêu rõ việc thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước ngọt của thành phố. Tuy nhiên, việc các bãi tắm tự phát và các công trình, vật kiến trúc được xây dựng ngay trên hành lang hồ sông Giá cho thấy tình trạng lấn chiếm hành lang sông có nguy cơ diễn biến phức tạp, cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để ngay từ khi mới phát sinh vi phạm.
THỦY NGUYÊN