Print Thứ Hai, 25/03/2019 19:33

Đây là một trong những kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XIV do đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm Trưởng đoàn tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng về chuyên đề “thực hiện chính sách, pháp luật về Phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, chiều nay 25/3 tại Trung tâm Hội nghị thành phố. Đại diện phía thành phố có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố dự họp.

Theo kết quả điều tra cơ bản năm 2018, toàn thành phố Hải Phòng có 9.407 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC; 3.145 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ; 9 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp, 1 Khu đô thị, 1.410 tổ dân phố có nguy cơ cháy nổ cao. Từ 15/7/2014 đến 15/11/2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 355 vụ cháy làm chết 14 người, bị thương 44 người thiệt hại ước tính 66,998 tỷ đồng (ngoài ra còn hơn 1.000 sự cố cháy được các lực lượng dập tắt); các lực lượng PCCC đã trực tiếp cứu, hướng dẫn 43 người thoát nạn an toàn, bảo vệ tài sản…


Hình ảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội tại thành phố Hải Phòng chiều 25/3.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành báo cáo tới đoàn giám sát, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã chủ động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra cũng như triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về công tác PCCC. Nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về PCCC của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; các phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC được triển khai; năng lực ứng phó với PCCC trên địa bàn thành phố từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc: hiện nay, công tác đảm bảo PCCC gặp nhiều khó khăn; các phương tiện, trang bị PCCC, cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ PCCC, CNCH; ngân sách của thành phố, của các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư vào công tác PCCC chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Đồng chí Lê Thị Nga, Trưởng đoàn Đoàn giám sát Quốc hội nhận định thành phố Hải Phòng trong công tác PCCC đã đạt được yêu cầu đề ra, thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong công tác PCCC, CNCH. Trong đó, Đoàn giám sát đánh giá cao việc UBND thành phố chủ động ban hành văn bản, kế hoạch về công tác PCCC; lực lượng chuyên trách làm tốt công tác tham mưu các giải pháp, hạn chế nhiều tổn thất do cháy, nổ gây ra.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Trưởng đoàn Đoàn giám sát Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Đoàn công tác nhấn mạnh thành phố Hải Phòng cần đầu tư thêm cho công tác PCCC; tăng cường thêm chế tài phạt hành chính, hình sự nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm về công tác PCCC. Nhân đây, đồng chí Lê Thị Nga đề nghị Bộ Công an quan tâm hơn đến Hải Phòng trong xây dựng và triển khai các dự án PCCC thuộc Bộ Công an. Đề nghị thành phố tiếp tục coi công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, thực hiện tốt công tác PCCC là giữ gìn hình ảnh, uy tín và tầm ảnh hưởng của Hải Phòng.

Đoàn công tác có 12 kiến nghị với thành phố trong đó: Hải Phòng cần quan tâm đầu tư kinh phí đối với công tác PCCC, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng thực chất, trọng điểm, sâu rộng đến từng người dân. Quan tâm cơ chế, chính sách trong xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng PCCC tại cơ sở đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay; tổ chức tốt công tác ứng trực, thực hiện tốt phương châm “lấy phòng là chính” và “4 tại chỗ”, cũng như tăng cường hiệp đồng tốt giữa các lực lượng; phát huy nguồn lực xã hội hóa trong công tác PCCC. Đối với các công trình, dự án vi phạm quy định về PCCC, thành phố cần công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông để cơ quan chức năng, nhân dân giám sát…


Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định thành phố sẽ tiếp tục quan tâm công tác PCCC

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng ghi nhận, tiếp thu những đóng góp của Đoàn giám sát về các nội dung liên quan đến lĩnh vực PCCC để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước. Đồng tình với nhận định của Đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, sau buổi làm việc, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện PCCC để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCCC.

Trước đó, sáng nay, Đoàn giám sát Quốc hội có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng về việc thực hiện chính sách pháp luật PCCC, cũng như công tác PCCC tại cơ sở.

Nguồn. haiphong.gov.vn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cần công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác