Print Thứ sáu, 30/06/2023 07:00 Gốc

Những ngày gần đây, miền Bắc “hạ nhiệt” giải cơn “khát điện”, nhờ những cơn mưa, phần nào giúp hệ thống điện bớt căng thẳng. Dù vậy, áp lực vận hành hệ thống hồ chứa sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu điện, giải pháp là cần có thị trường điện cạnh tranh để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực điện.

Vẫn chưa thấy hình bóng của thị trường bán lẻ cạnh tranh

Theo thông tin từ Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), mực nước tại các hồ thuỷ điện ngày 28.6 như sau: Hồ Thác Bà là 47.55/46m; Hồ Bản Vẽ: 158.63/155.0 m (quy định tối thiểu: 166.4 đến 171m); Hồ Thác Mơ: 200.41/198m (quy định tối thiểu: 202.2m đến 203.2m); Hồ Đồng Nai 3: 572.53/570m (quy định tối thiểu: 571.2m đến 572.5m).

Hiện lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhẹ, các hồ chứa lớn đang nâng cao mực nước, hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo.

Lượng nước về một số hồ khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện“, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp cho hay.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để ngăn tình trạng thiếu điện trong những năm tới, cần có ngay thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, bởi thông qua vận hành thị trường điện, các thành phần chi phí trong các khâu bao gồm: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán lẻ điện… được xác định rõ ràng, minh bạch theo cơ chế thị trường, khách hàng sẽ ít phản đối khi giá điện tăng cao.

Cần có thị trường điện cạnh tranh để giải quyết tình trạng thiếu điện. Ảnh: Nguyễn Long.

Trao đổi với Lao Động, GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, các cấp độ để hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh đã được quy định, tuy nhiên việc thực hiện tiến độ còn rất chậm so với dự kiến đã được Chính phủ phê duyệt.

Chúng ta tổ chức tương đối thành công thị trường phát điện cạnh tranh, song còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Nếu như đúng tiến độ, năm 2024, chúng ta phải có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa thấy hình bóng của thị trường bán lẻ cạnh tranh sẽ xuất hiện“, GS Trần Đình Long cho hay.

GS Trần Đình Long trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: Hoài Luân.

Theo ông, thị trường phát điện cạnh tranh đã có thành tựu tương đối tốt, từ là các nhà máy phát điện chào giá phát, sau đó cơ quan quản lý thị trường sẽ sắp xếp giá từ thấp đến cao, đơn vị nào có giá thấp thì sẽ cho phát trước, sau đó sẽ đến giá cao. Như vậy rất minh bạch và rõ ràng.

Thế nhưng còn nhiều bước của thị trường phát điện cạnh tranh cần phải hoàn tất để chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh.

Hiện nay, những đơn vị bán buôn điện chủ yếu là 5 công ty phân phối điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm: Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung.

5 doanh nghiệp này đều trực thuộc EVN, do vậy, để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.

Hiện nay, cơ chế để các công ty ngoài EVN “vào cuộc chơi” vẫn chưa có. Do đó, Nhà nước cần chỉ đạo, hướng dẫn nếu muốn tổ chức thị trường cạnh tranh thực sự.

Những cơ quan như Cục Điều tiết điện lực cần đề xuất với Chính phủ đưa ra những quy định cụ thể để các công ty ngoài EVN xuất hiện, kể cả các công ty nước ngoài. Có như vậy mới tổ chức cạnh tranh một cách hiệu quả, thiết thực“, GS Trần Đình Long cho hay.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện

Ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch HĐTV EVN cũng đồng tình với việc phải triển khai nhanh thị trường điện cạnh tranh, đây là giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy đầu tư.

EVN là doanh nghiệp Nhà nước, được giao nhiệm vụ cấp điện cho dân, nên phải tích cực xây dựng nguồn điện, lưới điện theo đúng Quy hoạch Điện đã được phê duyệt.

EVN phải mua điện kể cả giá cao (điện mặt trời là 9,35cent, tương đương 2.220 đồng/Kwh và khi thiếu điện phải huy động các nguồn điện chạy dầu với giá thành cao từ 2.500 kWh-4.000 kWh… để đảm bảo đủ điện cho người dân. Bởi cấp điện cho dân, cho sản xuất kinh doanh là mục tiêu tối thượng phải thực hiện.

Song, với những doanh nghiệp ngoài nhà nước thì hoàn toàn khác, phải giải cho được bài toán lợi nhuận thì doanh nghiệp mới làm“, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, có ý kiến cho rằng “cắt điện giống như cháy nhà“, nếu lối ví von đó là đúng thì cộng đồng hãy chung tay cứu “đám cháy“.

Để cứu “đám cháy” phải khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thị trường điện. Thay vì chỉ trích, hãy trải thảm cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện. Có như vậy mới “cứu” được hệ thống điện đang giậm chân tại chỗ, trong khi nhu cầu điện tăng trưởng không ngừng“, ông Hưng cho biết.

Tính đến nay, thị trường điện tại Việt Nam đã trải qua hai cấp độ là phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và đang trong giai đoạn triển khai cấp độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trong đó, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức từ ngày 1.7.2012. Từ 1.1.2019 đến nay, thị trường điện tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết, chuẩn bị để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Song, trước khi có thị trường bán lẻ cạnh tranh thì phải hoàn thiện thị trường bán buôn cạnh tranh, do thị trường này là đầu vào của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Anh Tuấn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cần có ngay thị trường điện cạnh tranh để không còn khổ vì thiếu điện
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác