Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội thảo về chính sách đối với lao động nhập cư (LĐNC) tại Hải Phòng do LĐLĐ TP Hải Phòng tổ chức mới đây.
Ông Tống Văn Băng, Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Phòng, cho biết Hải Phòng là địa phương có số dân đông thứ ba toàn quốc (sau TP HCM và Hà Nội), với khoảng 2,02 triệu người, trong độ tuổi lao động là 1,2 triệu người. Toàn TP có khoảng 15.225 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 506.789 lao động. Số LĐNC chiếm hơn 24% tổng số lao động toàn TP, tập trung nhiều nhất ở Khu Kinh tế Hải Phòng. LĐNC tập trung nhiều ở các ngành nghề may mặc, giày da, thương mại – dịch vụ, chế biến thủy sản… LĐNC là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là nữ. Phần lớn nữ LĐNC làm việc trong điều kiện vất vả, quá sức; hạn chế học hành và chăm sóc sức khỏe. Họ còn bị thiệt thòi vì phải sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm. Cuộc sống nhà trọ chật chội, không đủ điều kiện chăm sóc con cái, mất nhiều chi phí cho việc ăn ở nên không tiết kiệm được nhiều, ít có thời gian nghỉ ngơi, giải trí.
Tại hội thảo, đại diện LĐLĐ TP HCM, Thái Nguyên, Bình Dương, Nghệ An… chia sẻ về kinh nghiệm quản lý cũng như đề xuất những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho LĐNC, mong muốn có sự phối hợp tốt giữa nơi di cư và nhập cư để tạo thuận lợi nhất cho LĐNC. Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật nhấn mạnh để tạo điều kiện cho LĐNC có môi trường sống và làm việc tốt, các cấp Công đoàn cần chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt cho LĐNC, cụ thể như đề xuất chính quyền địa phương xây dựng các thiết chế như nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí cho LĐNC.
T.Đức