Theo đó, ngoài việc một số địa phương “chưa quyết tâm” trong sắp xếp, cán bộ dôi dư vẫn là vấn đề khó xử lý.
Tại báo cáo, Bộ Nội vụ cho biết trong 13 tỉnh, TP phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, chỉ có 5 tỉnh tiến hành gồm Cao Bằng (3 huyện), Quảng Ngãi (2 huyện), Hòa Bình (1 huyện), Yên Bái (1 huyện) và Điện Biên (1 huyện). 8 tỉnh, TP khác xin “hoãn” sang giai đoạn sau là Hà Tĩnh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang.
Như vậy, chỉ có 8/20 đơn vị hành chính cấp huyện được các địa phương chủ động sắp xếp trong giai đoạn này. Tuy nhiên, do có 2 tỉnh chọn phương án lấy một số xã của huyện liền kề để đáp ứng đủ một trong 2 tiêu chí, “né” việc phải sáp nhập 2 huyện làm 1, nên cả nước sẽ chỉ giảm được 5 huyện.
Đáng chú ý, tất cả các huyện sau khi sắp xếp cũng không đạt cả 2 tiêu chí theo quy định, mà vẫn sẽ thiếu hụt về diện tích hoặc về dân số hoặc cả hai. Theo quy định, các huyện này vẫn có khả năng phải sắp xếp tiếp trong giai đoạn sau 2021 để đáp ứng đủ tiêu chí.
Bộ Nội vụ cho rằng, ngoài 4 huyện đảo nằm biệt lập gồm Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Tân Thới Đông (Tiền Giang) sẽ không phải sắp xếp, việc các địa phương chỉ sắp xếp 8/16 huyện là “chưa thể hiện trách nhiệm và quyết tâm thực hiện”, đặc biệt sau khi sắp xếp lại chỉ giảm được 5 huyện (chiếm 0,7% tổng số huyện trên cả nước).
Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc xin hoãn sáp nhập đơn vị hành chính huyện chủ yếu do địa phương tiếc chuyện sau sáp nhập, tỉnh sẽ “mất” thị xã hoặc TP. Đơn cử Hà Tĩnh muốn lùi việc sắp xếp thị xã Hồng Lĩnh, vì nếu sáp nhập vào huyện sẽ không đủ các tiêu chí để là thị xã.
Về cấp xã, trong số 638 xã trên cả nước thuộc diện sắp xếp (nhiều hơn 7 xã so với con số 631 trước đó Bộ Nội vụ đưa ra), các địa phương chỉ đề nghị sắp xếp 534 xã, còn 104 xã đề nghị chưa sắp xếp đợt này. Tuy nhiên, một số địa phương khác sắp xếp thêm 134 xã thuộc diện khuyến khích, cộng với 388 xã liền kề có liên quan, nên cả nước sẽ có 1.056 xã bị thay đổi trong đợt này. Một số địa phương phải sắp xếp đến 4 xã thành 1 (3 trường hợp), 84 trường hợp phải nhập 3 xã thành 1 và 351 trường hợp nhập 2 xã thành 1.
Sau sắp xếp, cả nước sẽ giảm 556 trong tổng số 11.160 xã, giảm 4,98%. Tỉnh giảm số xã nhiều nhất là Thanh Hóa với 76 xã, Hòa Bình giảm 59 xã (hơn 28% số xã, là địa phương giảm nhiều nhất tính về mặt tỷ lệ), Cao Bằng giảm 40 xã, Phú Thọ giảm 52 xã, Hà Tĩnh giảm 46 xã, Quảng Trị giảm 17 xã, Hải Dương giảm 30 xã, Lạng Sơn giảm 26 xã. Dù vậy, sau sắp xếp, vẫn chỉ có 150 xã đạt đủ cả 2 tiêu chí theo quy định, còn lại thiếu về diện tích hoặc về dân số.
Trong số 42 tỉnh, TP phải sáp nhập cấp xã, cũng mới có 39 tỉnh, TP tiến hành sắp xếp; còn 3 tỉnh, TP đề nghị không sắp xếp trong giai đoạn này, gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Riêng Quảng Ngãi đề nghị giải thể cả 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn để thực hiện chính quyền 1 cấp ở huyện này.
Đến thời điểm báo cáo, mới có 34/46 tỉnh gửi phương án tổng thể sắp xếp các huyện, xã đến Bộ Nội vụ. 12 tỉnh, thành vẫn chưa gửi phương án tổng thể, trong đó có Cần Thơ, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Long, Sơn La… Bộ Nội vụ cho biết đang đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc sắp xếp theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.
Khó khăn lớn nhất khi thực hiện sắp xếp huyện, xã, theo Bộ Nội vụ, vẫn là việc giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ dôi dư. Đây cũng là vấn đề các địa phương kiến nghị nhiều nhất. Mặc dù cả Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 32 của Chính phủ đều quy định giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư “theo quy định hiện hành”, nhưng nhiều địa phương vẫn phản ánh việc sẽ tồn đọng một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do chưa sắp xếp được công việc khác, trong bối cảnh Chính phủ mới ban hành Nghị định 34/2019 hồi tháng 4 năm nay về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố. Đó là chưa kể đến đề án 500 trí thức trẻ về công tác ở 500 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn đang thực hiện ở vị trí công chức cấp xã. Đến tháng 7.2020 thì đề án này kết thúc, nhiều địa phương chưa biết giải quyết thế nào với số cán bộ này.
Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương phải sáp nhập không ủng hộ việc này, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công việc và vị trí công tác sau khi sắp xếp.
Theo cập nhật của Thanh Niên, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi Ban Tổ chức T.Ư đề nghị hướng dẫn việc sắp xếp cán bộ dôi dư thuộc các cơ quan khối Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội cấp huyện và đang xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ xã dôi dư.
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More