Thực hiện cam kết với người học về có việc làm sau đào tạo, một số trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố hiện có tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt hơn 75%, thậm chí là hơn 90%. Đây là nét mới, là nỗ lực của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác dạy nghề.
Giáo viên, sinh viên Trường cao đẳng du lịch Hải Phòng tư vấn tuyển sinh học nghề tại Trường THPT Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên).
Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp
Để tạo việc làm cho học sinh-sinh viên (HS-SV) sau học nghề, nhiều trường cao đẳng, trung cấp đặc biệt chú trọng phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp. Việc liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo môi trường cho HS-SV thực tập và doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc khi HS-SV hoàn thành chương trình học, tốt nghiệp trường nghề. Việc liên kết với doanh nghiệp càng có ý nghĩa hơn khi từ năm 2016, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, cạnh tranh gay gắt với khối giáo dục đại học và ngay với chính các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Hải Phòng Lã Đình Kế cho biết: “Nhà trường phối hợp với khoảng 20 doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, tổ chức ký kết tiếp nhận lao động qua đào tạo vào làm việc. Việc này giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo nghề và học sinh có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”. Năm 2017, Trường trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Hải Phòng ký kết hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp như Công ty cổ phần lắp máy Lilama; Công ty cổ phần xây lắp Hải Long; Công ty thoát nước Hải Phòng; Công ty điện lạnh Quang Thắng; Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng; Công ty TNHH LG Display… để giới thiệu việc làm cho học sinh nhà trường. Theo thống kê, năm 2017, trường có 85% số học sinh tốt nghiệp có việc làm với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng. Có 65 học sinh tốt nghiệp khóa học nghề được giới thiệu vào làm tại Công ty TNHH LG Display với mức lương ban đầu 8 triệu đồng/tháng.
Tại Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp dịch vụ, kinh doanh về du lịch, các tập đoàn du lịch lớn giúp sinh viên có môi trường học tập thực tế, học ngay tại doanh nghiệp song song với học tập tại trường (đào tạo kép). Mới đây, nhà trường và đại diện Công ty cổ phần Vinpearl vừa ký biên bản thỏa thuận hợp tác về đào tạo và việc làm (tháng 4-2018). Theo đó, hai bên cam kết thực hiện các hoạt động hỗ trợ sinh viên của Trường cao đẳng du lịch Hải Phòng trong thực tập và tìm kiếm cơ hội việc làm tại Vinpearl năm 2018 và những năm tiếp theo. Trưởng phòng tuyển sinh nhà trường Phạm Văn Tưởng cho biết: “Nhà trường cam kết 100% HS-SV học nghề tại trường có việc làm sau tốt nghiệp. Đây không chỉ là lời hứa mà thực tế nhà trường đã triển khai và nỗ lực thực hiện”.
Đào tạo hướng theo nhu cầu thị trường
Để thực hiện cam kết về việc làm với HS-SV khi tuyển sinh đầu khóa, nhiều trường nghề lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tế mà thị trường, doanh nghiệp đang cần. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 2 Hoàng Văn Dũng cho biết: “Có nhiều nghề như nghề hàn, điện, vỏ tàu, máy tàu thủy… HS-SV chưa tốt nghiệp đã có doanh nghiệp đến xin về làm việc với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt. Tuy nhiên nhà trường cũng không đủ HS-SV cung cấp theo nhu cầu của doanh nghiệp”. Hay như tại Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng, hầu hết sinh viên đều được doanh nghiệp “chấm” trong quá trình đào tạo thực tế, những học viên có khả năng, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp đều được mời lại làm việc sau khi ra trường.
Qua khảo sát tại một số trường nghề cho thấy, những trường nào tuyển sinh được đủ và vượt chỉ tiêu đào tạo nghề là những trường bắt kịp xu hướng việc làm, mở những mã ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường, đào tạo nghề mà thị trường cần thay vì đào tạo theo những gì mình có. Nhiều trường nghề đang từng bước xây dựng thương hiệu nghề đào tạo của mình, tạo uy tín với doanh nghiệp và thu hút người học. Như du lịch, lữ hành, chế biến món ăn…tại Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng; xây dựng, xây lắp điện, nước tại Trường trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Hải Phòng; hàn, điện, vỏ tàu, điều khiển tàu biển tại Trường cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 2; điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng. Song quan trọng và cần thiết nhất vẫn là “đầu ra” của dạy nghề, để người dân thấy được ích lợi của học nghề và cơ hội việc làm, thu nhập mà tin tưởng cho con em mình học nghề. Cam kết về việc làm sau đào tạo sẽ là xu hướng của trường nghề hiện tại và thời gian tới trong nỗ lực cạnh tranh để tồn tại.
Phương Nam – Báo Hải Phòng 24/6/2018
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg chủ trương đầu…
Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Chiều 14/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết…
Chiều 14/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết…
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ngày 14/11, đồng chí Đỗ Mạnh…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More