Với mong muốn được góp 1 phần sức lực vào cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, nhiều người trẻ ở Hải Phòng đã tình nguyện tham gia vào các chốt kiểm soát dịch bệnh.
Lá thư “xin ra trận”
Những ngày gần đây, lá thư xin ra thực hiện chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của cô giáo trẻ Đoàn Thị Hồng Lương (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng) đã khiến nhiều người xúc động.
Trong lá thư “xin ra trận”, Hồng Lương bày tỏ: “Hình ảnh các bác cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại các tổ dân phố, các bạn sinh viên căng mình ra sức hỗ trợ tại các khu cách ly tập trung… khiến cho tôi, một đoàn viên thanh niên có sức khỏe, sức trẻ, rất băn khoăn, trăn trở muốn đóng góp sức mình vào công tác phòng chống dịch tại địa phương”.
Hồng Lương thừa nhận đã gặp phải phản đối của gia đình do tâm lý lo ngại trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, trong khi gia đình cô giáo trẻ còn bố mẹ đã cao tuổi và con nhỏ. Nhưng sau khi thuyết phục gia đình bởi bản thân có kĩ năng, lại được trang bị đầy đủ các phương tiện như mũ chống giọt, găng tay, khẩu trang, Hồng Lương đã nhận được sự ủng hộ của gia đình để ra làm nhiệm vụ ở chốt chống dịch.
Lá thư và hành động của Hồng Lương trong thời điểm đất nước đang bước vào giai đoạn gay go nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khiến nhiều người cảm động.
Cũng tình nguyện xin ra chốt chống dịch như cô giáo Hồng Lương, chàng sinh viên Nguyễn Quang Khải (đang học năm thứ 2, Đại học Hải Phòng) bày tỏ nguyện vọng dành hết thời gian có thể của mình để tham gia chống dịch.
“Khi thành phố Hải Phòng bắt đầu triển khai thành lập các chốt kiểm soát ở tổ dân phố, tôi thấy chủ yếu chỉ có các bác cựu chiến binh, tổ trưởng dân phố. Lực lượng mỏng mà thời gian trực lại suốt cả ngày. Tôi quyết định xin bố mẹ cho ra giúp các bác ấy”, Khải chia sẻ.
Lo cho con trai, bố mẹ Khải lúc đầu còn lăn tăn. Tuy nhiên, Khải đã thuyết phục bố mẹ để được ra chốt. Thậm chí, Khải còn xin được trực 2 ca. “Em trực từ 6 giờ đến 12 giờ. Về nghỉ chút rồi em học trực tuyến theo lịch của trường. Đến 18 giờ em lại ra trực đến 23 giờ. Những ngày đầu không quen nên hơi mệt, giờ thì vô tư ạ. Ra chốt, em bỏ được thói quen ngủ dậy muộn”, Khải chia sẻ.
“Đồng đội” của Khải ở chốt kiểm soát, bác Lương (ngụ ngõ Hàng Gà, quận Lê Chân) tâm sự với chúng tôi: “Có thanh niên như Khải giúp sức, các bác sẽ đỡ vất vả hơn. Nhất là trong việc đi đo thân nhiệt từng nhà”.
“Ai chẳng muốn đóng cửa ở nhà tránh dịch”…
Trong số những người trẻ xin ra chốt chống dịch thì Nguyễn Trung Thư (học lớp 11 trường THPT Hồng Bàng) là một người thật đặc biệt. Thư bị dị tật ở chân bẩm sinh. Dù đã qua 1 lần phẫu thuật nhưng việc đi lại của Thư vẫn khó khăn. Không bi quan, chán nản, Thư vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Khi thấy Thành đoàn – Hội LHTN Việt Nam thành phố Hải Phòng phát động, kêu gọi đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia các đội hình phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thư lập tức đăng ký tham gia.
Thư chia sẻ: “Có người từng nói với tôi, bao nhiêu người khỏe mạnh thì không tham gia, còn mày tham gia làm gì? Tôi nghĩ, trong thời kỳ dịch bệnh đang khó kiểm soát như thế này, ai chẳng muốn đóng cửa ở nhà tránh dịch. Nhưng nếu ai cũng có suy nghĩ “đầy người ra cần gì đến mình” thì lấy đâu ra người để tham gia các hoạt động như thế này. Nếu không hành động lúc này thì còn chờ đến bao giờ mới hành động nữa?! Hãy tham gia cùng chống dịch, chứ đừng thờ ơ, vô cảm với nó. Cuộc đời này ngắn lắm, đừng để cuộc đời bạn chỉ là những thước phim buồn vô cảm”.
Hình ảnh chàng thanh niên trẻ với bước chân tập tễnh sau đó cần mẫn đến từng nhà đo thân nhiệt cho người dân đã khiến nhiều người cảm động, tự thấy mình phải có ý thức hơn trong việc phòng chống dịch bệnh.
Em Phạm Khắc Ngọc Bảo, học sinh lớp 2C Trường tiểu học Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, đã ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19 xã Tam Cường 1 con lợn tiết kiệm trị giá 2,854 triệu đồng.
Em Bảo chia sẻ: “Cháu có nuôi 2 con lợn tiết kiệm, 1 con đầy, 1 con vơi. Được sự động viên của mẹ, cháu mang tặng chương trình phòng, chống dịch bệnh của xã 1 con lợn đầy. Cháu cũng mong dịch bệnh nhanh chóng bị đẩy lùi để các bạn học sinh sớm được đến trường“.
Được biết, Bảo mất bố khi chưa đầy 1 tuổi. Em sống với ông bà ngoại đã già, mẹ thì đi làm xa.
Lê Tân