Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:18

Nhiều phụ huynh và chuyên gia cho rằng, các bé mầm non không nên được dạy trước chương trình lớp 1, tập tô và viết chữ.

Ảnh minh họa

Học theo “trào lưu”

Đến hẹn lại lên, cứ dịp chuẩn bị cho năm học mới, các bố mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1 lại sốt ruột về chuyện có nên cho con học chữ trước hay không bởi “hình như các bé khác đều biết hết chữ rồi mới vào lớp 1, con mình chưa biết sợ không theo kịp…”. Và, nhiều bậc phụ huynh lại chạy đôn, chạy đáo tìm lớp học chữ, thậm chí cả học toán cho con. Anh Tùng, nhà ở quận Hải An cho hay, ngay từ khi còn nửa năm nữa con mới tốt nghiệp lớp mầm non 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, đã vội đi tìm lớp học chữ.

Nghe giới thiệu lớp luyện chữ đẹp của một cô giáo luyện chữ có tiếng nhưng anh vẫn từ chối vì muốn tìm một cô giáo lớp 1 để con có thể “chạy trước chương trình”, đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1. “Bạn không biết chứ bây giờ nhiều trẻ vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết, thậm chí biết làm Toán. Nếu mình không cho con đi học thì khi vào lớp không theo kịp các bạn, học đuối thi sao”, anh Tùng bày tỏ lo lắng.

Tình trạng cho con học chữ trước khi vào lớp 1 diễn ra từ lâu nay. Mặc dù ngành Giáo dục – Đào tạo chủ trương xử lý nghiêm tất cả các lớp giảng dạy chữ cho trẻ mầm non, nhưng trên thực tế, việc dạy chữ cho trẻ vẫn diễn ra, thường “núp bóng” dưới hình thức “luyện chữ” tại các trung tâm luyện chữ đẹp.

Các trung tâm này thường nằm trong ngõ bố trí đan xen vào các khu dân cư đông đúc, thời gian học các lớp luyện chữ linh hoạt với nhiều khung giờ các buổi sáng, chiều, tối. Các bậc cha mẹ có thể bố trí cho trẻ học bất kỳ ngày nào trong tuần. Mỗi buổi học thường kéo dài từ 1,5 đến 2 giờ. Với tần suất 3 buổi/tuần, cha mẹ học sinh phải chi trả 700 – 900 nghìn đồng cho một tháng học chữ của trẻ. Trẻ càng nhỏ học phí càng cao.

Ảnh minh họa

Nhiều phụ huynh ủng hộ cho trẻ học mà chơi, chơi mà học

Trái với tâm lý vội vàng của một số bậc phụ huynh thì đa phần các bố mẹ cho rằng cần cho trẻ học theo đúng độ tuổi của mình. Có con trai sinh năm 2012, chị Thùy Dung, nhà ở quận Ngô Quyền cho rằng, không dạy bé tập tô ở lứa tuổi mầm non là phù hợp.

Hiện tại, dường như việc tô chữ vẫn quá khả năng của bé. Mỗi lần tô chữ, thậm chí chỉ vẽ những gì nhỏ bằng ngón tay trở xuống, bé đều gồng hết người lên, mắm môi mắm lợi và cúi gằm người xuống. “Mình chỉ sợ bé tập tô chữ sớm ngồi sẽ bị gù lưng nên thường không cho con ngồi tô, chỉ dạy con nhận các mặt chữ”, chị Dung cho biết. Một số phụ huynh vừa cùng con đi qua thời lớp 1 thì cho rằng việc tập viết chữ từ ngày mầm non không có nhiều tác dụng.

 Trước khi con vào tiểu học, chị Thanh Vân (quận Hồng Bàng) cho con theo một lớp luyện chữ đẹp ở một lò luyện có tiếng tại phường Đông Khê (quận Ngô Quyền) hơn 2 tháng. Đến hết học kỳ 1 lớp 1, bé viết vẫn còn nguệch ngoạc dù nhận thức Toán và ngôn ngữ tốt (hai môn này bé không được học trước).

Cũng nhiều bậc phụ huynh nhận thấy, dù được luyện chữ rất nhiều song nhiều bé bị phụ thuộc, nếu rời sự rèn cặp của cô giáo luyện chữ là lập tức chữ xấu, viết láu. Và, càng lên lớp lớn thì tác dụng của việc luyện chữ lớp bé càng ít tác dụng…

Kinh nghiệm của một bà mẹ đã nuôi hai bé học qua lớp 1 cho thấy, khi các bé học mẫu giáo, chị mua nhiều bộ xếp chữ, xếp số cho bé tự chơi, thỉnh thoảng bé cũng đòi tô chữ nhưng chị không khuyến khích. Đến khi chính thức vào lớp 1, các bé đã có thể tự đánh vần đọc hết một cuốn truyện tranh chữ to nhưng gần như chưa biết viết.

Bên cạnh việc cô giáo rèn cặp trên lớp, mỗi tối, mẹ con chị đều dành thời gian để tập tô chữ cùng nhau. Chị kể, bài học trên lớp không quá nặng, mỗi tối bé chỉ học mất chưa đến 1 giờ đồng hồ về mặt chữ, cách làm phép tính và tập tô chừng 20 phút là hoàn thành bài vở.

Nói về những “kiến thức” được học trước khi vào lớp 1, chị cho rằng những gì bé tập tô lúc trước không có nhiều giá trị, đến khi vào lớp 1 lại phải học lại từ đầu, cả mẹ và con đều phải cố gắng.

Cấm tuyệt đối dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1

Cô Phạm Thị Diện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) đánh giá, việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 khiến trẻ cảm thấy nhàm chán, thiếu hứng thú, khi vào học chính thức chỉ được giảng dạy những thứ đã biết rồi. Hơn nữa, các cô giáo mở lớp dạy chữ kể trên chủ yếu là giáo viên nghỉ hưu.

Các cô có kinh nghiệm sư phạm nhưng không nắm bắt được các quy chuẩn đào tạo mới. Trẻ được dạy theo phương pháp cũ dễ bị sai trong tư thế ngồi, cách cầm bút. Đến khi vào lớp 1, giáo viên gặp khó khăn để uốn nắn các cháu theo quy chuẩn hiện hành.

Hơn nữa, các nghiên cứu sư phạm cũng đúc kết, việc dạy chữ cho con trước 6 tuổi là không phù hợp với tâm lý, tư duy của trẻ, nhất là khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ. Trẻ dưới 6 tuổi chưa biết chữ sẽ có khả năng sáng tạo tốt hơn do có thói quen quan sát xung quanh nhiều hơn.

Một cô giáo ở quận Hồng Bàng có gần 20 năm đứng lớp 1 cũng thừa nhận, lớp học quá đông nên cô không thể chỉ dẫn tỉ mỉ từng bé được. Đa số học sinh trong lớp biết chữ rồi nhưng cô vẫn phải dạy lại từ đầu với các kỹ năng cơ bản từ tư thế ngồi, cách cầm bút, nối nét, đánh vần, phát âm, ghép từ… Thậm chí cô vẫn chỉ bảo học sinh từ cách đặt quyển vở, cách mở trang sách giáo khoa.

Cô giáo cho biết, các bài tập tham khảo của học sinh lớp 1 tương đối khó nhưng thực tế bài thi lên lớp của các bé đơn giản, phụ huynh không nên lo lắng quá nhiều.

 Theo văn bản mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019, một trong những nội dung được nhấn mạnh là tuyệt đối cấm dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, để chủ động ngăn chặn những tác hại của việc dạy chữ sớm cho trẻ, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục các quận, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý những điểm lớp vi phạm quy định dạy trước chương trình tiểu học cho trẻ ở độ tuổi mầm non.

Với quy định cấm dạy trẻ mầm non trước chương trình lớp 1 cũng như cấm tập tô và viết chữ, nhiều phụ huynh cho rằng, nên chăng cũng thay đổi cả phương pháp giáo dục của lớp 1.

Bởi theo một phụ huynh có con vừa học xong lớp 1, chương trình lớp 1 hiện nay quá nặng, ví dụ như đã học các phép cộng khó nhớ hay bài toán chia phần mà thời anh phải đến lớp 2 mới được học. Vì chương trình quá nặng, nếu bố mẹ không cho con học trước sẽ không an tâm…

An ninh Hải Phòng 22/6/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cấm dạy chữ trẻ mầm non – nhiều cha mẹ đồng tình
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác