Đô thị

Cải tạo, xây dựng lại các chung cư bằng vốn ngân sách nhà nước: Triển khai từ năm 2020

Thực hiện chủ trương cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố của Thường trực Thành ủy, Sở Xây dựng thành phố đang xây dựng Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2022, với mục tiêu khởi công xây mới  12 chung cư hiện đại bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trước mắt, phấn đấu khởi công 5 chung cư mới trong năm 2020.

Phấn đấu khởi công 5 chung cư mới năm 2020

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Văn Thanh, Sở đang hoàn thiện Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2022. Theo đó, phấn đấu khởi công 5 chung cư mới trong năm 2020. Đó là: 3 chung cư VM1, VM2, VM3 thay thế 10 chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng tại phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền); 2 chung cư mới thay thế 24 chung cư cũ ở khu Lam Sơn, An Dương (quận Lê Chân). Theo dự kiến, mỗi chung cư cao 33 tầng. Tổng kinh phí xây 5 chung cư dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự kiến 2 năm. Sau khi hoàn thành, 5 chung cư này có hơn 4.300 căn hộ, bảo đảm đủ số căn hộ tái định cư cho các hộ đang sinh sống tại các khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ngô Quyền và Lê Chân.

Khu tập thể Lam Sơn (quận Lê Chân) xuống cấp, cần sớm được cải tạo, xây dựng lại.

Theo Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Trịnh Quang Trường, là địa phương có số chung cư xuống cấp nhiều nhất thành phố (chiếm hơn 60% tổng số chung cư phải phá dỡ), lãnh đạo quận và người dân mong muốn dự án sớm được triển khai. Quận Ngô Quyền đồng tình với quan điểm nâng chiều cao của 3 chung cư VM1, VM2, VM3 để tận dụng quỹ đất, tăng số căn hộ để sắp xếp thêm nhiều hộ về đây khi phá dỡ các chung cư khác trên địa bàn quận. Đồng thời, quận đề nghị thành phố thiết kế các khu chung cư mới này theo hướng tăng diện tích các bãi đỗ xe, cây xanh và các công trình phụ trợ phục vụ sinh hoạt của người dân.

Theo kế hoạch, trong tháng 2, Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương, hoàn thiện kế hoạch trình UBND thành phố phê duyệt. Ngay sau khi kế hoạch được phê duyệt, các cấp, ngành khởi công 5 chung cư mới ở Vạn Mỹ, Lam Sơn trong năm 2020. Sau khi khởi công 5 chung cư này, Sở sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng 7 chung cư tiếp theo tại các quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Kiến An, Đồ Sơn…, nâng tổng số chung cư được xây mới giai đoạn 2020-2022 lên 12 chung cư, bảo đảm chỗ ở gần 7.000 hộ dân.

Tập trung làm tốt công tác tạm cư

Theo lãnh đạo các quận: Lê Chân, Ngô Quyền, năm 2019, để chuẩn bị các điều kiện khởi công chung cư mới, các địa phương hoàn thành khảo sát, tổng hợp ý kiến của gần 2 nghìn gia đình đang sinh trống tại các khu chung cư Vạn Mỹ, An Dương, Lam Sơn. Phần lớn hộ dân đồng tình, ủng hộ chủ trương phá dỡ, xây mới chung cư và sẵn sàng tâm lý di dời, tạm cư trong năm 2020. Đến nay, các địa phương hoàn thành công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc, hỗ trợ di chuyển và giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ tạm cư. Theo đó, 40% số hộ dân phải di dời chọn phương án tạm cư bằng tiền, 60% số hộ chọn tạm cư bằng nhà. Theo phương án dự kiến, các hộ tạm cư bằng nhà sẽ được bố trí tại các khu: 9 tầng Đông Khê (quận Ngô Quyền), 5 tầng Khúc Thừa Dụ, 7 tầng Vĩnh Niệm (quận Lê Chân)…

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án xây dựng chung cư mới tại 2 khu vực này sẽ tác động đến đời sống của nhiều hộ dân do công tác di dời sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là việc bố trí tạm lánh trong điều kiện quỹ nhà tạm cư của thành phố hạn chế so với nhu cầu. Theo Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Trịnh Quang Trường, công tác bố trí tái định cư, tạm cư cho hơn 800 hộ khu Vạn Mỹ khá phức tạp, nhất là đối với hơn 100 hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều hộ đang sản xuất, kinh doanh tại khu Vạn Mỹ hiện chưa đồng tình phương án tạm cư mới.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Văn Thanh, trong thời gian tới, Sở Xây dựng phối hợp các quận tập trung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tạm cư. Trước mắt, các quận Ngô Quyền, Lê Chân sớm rà soát nhu cầu về tạm cư tại các chung cư khu vực Vạn Mỹ, Lam Sơn, An Dương để có phương án tạm cư phù hợp khi kế hoạch được thông qua trong thời gian tới. Đồng thời, tuyên truyền để các hộ dân nhận tạm cư bằng tiền để chủ động chỗ ở, giảm áp lực cho thành phố trong việc bố trí tạm cư bằng nhà. Đối với những trường hợp đang sản xuất- kinh doanh trên diện tích đất và nhà ở hợp pháp ở các khu chung cư cũ này sẽ được chủ đầu tư hỗ trợ một phần kinh phí do tạm ngừng hoạt động sản xuất- kinh doanh theo quy định. Để bảo đảm tiến độ xây dựng chung cư mới, các ngành, địa phương cần vào cuộc trách nhiệm cao, nghiêm túc để phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, báo cáo UBND thành phố và các ngành những phát sinh trên thực tế để có giải pháp xử lý kịp thời./.

Trên địa bàn thành phố còn 160 chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng cần phá dỡ, xây mới. Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2022, thành phố phá dỡ toàn bộ chung cư này để xây mới 12 chung cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Nguyễn Dương – Ảnh: Hoàng Phạm/Báo Hải Phòng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Đồ Sơn được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh của Hải Phòng

Khu du lịch Đồ Sơn được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh thuộc…

26/12/2024

Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng trao tặng nhà “Mái ấm yêu thương” cho gia đình học sinh nghèo vượt khó

Sáng ngày 26/12, tại thôn Hy Tái, xã Hồng Thái, huyện An Dương,TP. Hải Phòng,…

26/12/2024

Chỉnh trang quán hoa 80 năm tuổi – biểu tượng TP Hải Phòng

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Hồng Bàng (Hải Phòng), quận đang…

26/12/2024

Hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh do thay đổi địa giới hành chính

Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có hướng dẫn các doanh nghệp đăng ký…

26/12/2024

Công nhân KCN Hải Phòng được thưởng Tết trung bình 13 triệu đồng/người

Dự kiến, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng thưởng Tết Nguyên…

25/12/2024

Nam thanh niên ở Hải Phòng sang Thái Bình cướp tại một tiệm vàng

Công an huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vừa bắt giữ 1 đối tượng cướp…

25/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More