Print Thứ Bảy, 26/01/2019 21:20

Kỳ 3: Quyết tâm tạo đột phá

 

Trong bối cảnh yêu cầu quản lý ngân sách ngày càng chặt chẽ, nhất là chi thường xuyên phải tiếp tục giảm để tăng chi cho đầu tư, việc sắp xếp hơn 980 đơn vị sự nghiệp công lập là yêu cầu cấp thiết đối với Hải Phòng. Đáng mừng là với quyết tâm cao, cách làm phù hợp, Hải Phòng đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Trong đó, đáng kể nhất là tư duy, nhận thức của lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức các đơn vị đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt, đã nhận thấy đây là xu thế tất yếu. Vì vậy, Hải Phòng có điều kiện để tạo ra sự đột phá, thực hiện thành công NQ 19 của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên chặng đường về đích còn không ít chông gai, trở ngại, khó khăn, vướng mắc.

 

Sẵn sàng chuyển đổi

 

Đầu năm 2018, khi bắt đầu có chủ trương sắp xếp lại và chuyển đổi cơ chế tài chính theo NQ 19, nhiều lãnh đạo các đơn vị trong  diện sắp xếp tỏ ý  băn khoăn, e ngại, lo sợ khi chuyển sang tự chủ tài chính sẽ thu không đủ chi, hoạt động khó khăn, người lao động chán nản. Đâu đó còn có tư tưởng muốn níu kéo sự bao cấp của ngân sách. Nhưng đến nay, sau 9 tháng triển khai thực hiện Chương trình hành động số 49, vừa xây dựng đề án cụ thể vừa tăng cường công tác tuyên truyền vận động tới từng đơn vị, từng cán bộ công chức, viên chức với nhiều hình thức nên đã có sự thay đổi và chuyển biến rõ rệt.

Theo ông Đào Sỹ Thanh, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn Hải Phòng, lúc đầu, khi biết dự kiến phải sáp nhập với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; Trung tâm tư vấn điện khoáng sản cùng thuộc Sở Công Thương, 13 lao động của trung tâm cũng rất tâm tư, lo lắng. Nhưng sau khi được quán triệt, hiểu rõ xu hướng  tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động được thực hiện trên toàn quốc, toàn thành phố, phần lớn đã yên tâm trở lại. Ông Đào Sỹ Thanh cho biết, tới thời điểm này, người lao động của trung tâm đều mong muốn quá trình hợp nhất diễn ra nhanh hơn để có mô hình tổ chức, bộ máy phù hợp, người lao động được sắp xếp công việc ổn định và yên tâm công tác. Đáng chú ý, trong quá trình chuẩn bị hợp nhất, trung tâm đã tích cực, chủ động phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, bắt đầu ký kết các hợp đồng dịch vụ để tăng nguồn thu như kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp; kiểm định công tơ điện trên địa bàn thành phố… Sang năm 2019, nếu ký được nhiều hợp đồng kiểm định công tơ điện và phát triển thêm các loại hình dịch vụ khác, khả năng tài chính của trung tâm sẽ ổn hơn. Cũng đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Tư vấn điện và khoáng sản Hoàng Văn Vũ mong muốn sớm hoàn tất quá trình hợp nhất để hoạt động của đơn vị ổn định và xác định được hướng phát triển phù hợp với tình hình mới.

 

Với quan điểm: quản lý Nhà nước phải tập trung cho chuyên sâu và hiệu quả,  còn lại phải chuyển sang làm dịch vụ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng…, lãnh đạo các ngành, các đơn vị của thành phố đều thống nhất với các  mục tiêu thành phố đề ra và đã cơ bản hoạch định được mô hình, cơ cấu tổ chức, lao động của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện chuyển đổi. Các đơn vị cũng đang mong chờ đề án  chuyển đổi cơ chế tài chính và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập được xem xét, thông qua và phê duyệt, từ đó sẽ có cơ sở để xây dựng phương án cụ thể hơn gắn với quá trình sắp xếp lại, nâng cao  hiệu quả hoạt động của các ngành.

 

Như vậy, sự chuyển biến về nhận thức trong chuyển đổi cơ chế tài chính, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập của Hải Phòng đã nhìn thấy rõ. Đáng chú ý, hiệu quả về tài chính, ngân sách là đo đếm được. Cụ thể, với việc giảm chi thường xuyên từ ngân sách hơn 234 tỷ đồng trong 2 năm 2017- 2018 trong  ngành y tế, thành phố có thêm nguồn để tăng chi cho chương trình an sinh xã hội; chi cho các gia đình chính sách; chi phúc lợi xã hội và các công việc đột xuất khác. Theo phương án và lộ trình về sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2021, dự kiến Hải Phòng sẽ giảm được 97 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt tỷ lệ giảm 9,85% so với số đơn vị hiện có. Đồng thời, chuyển đổi cơ chế tài chính đối với 85 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt tỷ lệ 10,05%. Trong đó, sẽ có 1 đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên; 6 đơn vị chuyển thành công ty cổ phần; 16 đơn vị chuyển sang tự chủ một phần chi thường xuyên; 37 đơn vị chuyển sang tự chủ chi thường xuyên; 7 đơn vị chuyển sang tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; 11 đơn vị chuyển sang tự chủ kinh phí chi thường xuyên và tiến tới chuyển thành doanh nghiệp nếu đủ điều kiện.

 

Đã nhiều năm liền, cơ cấu chi ngân sách của thành phố thường dành phần lớn (tới 70- 80%) cho chi thường xuyên nên phần cho đầu tư phát triển không đáng bao nhiêu. Mặc dù tỷ lệ chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách dần được kéo xuống, hiện còn khoảng  hơn 43%, nhưng vẫn bất hợp lý. Vì vậy, với  các phương án sắp xếp này, với sự chuyển biến về nhận thức, sẵn sàng thích ứng với cơ chế mới của các đơn vị sự nghiệp công lập, chắc chắn, tổng chi ngân sách thường xuyên sẽ giảm mạnh hơn nữa, chi đầu tư phát triển tăng lên. Quan trọng hơn là thành phố đạt được mục tiêu tạo đột phá, đổi mới mô hình hoạt động, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tinh gọn bộ máy, giảm mạnh đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức, sử dụng hiệu quả cao số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thành phố phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

 

Nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ

   

Tuy thành phố đã rất thận trọng, xem xét từng trường hợp, đơn vị cụ thể, xây dựng lộ trình tự chủ tài chính hợp lý để các đơn vị có thời gian thích nghi với cơ chế mới, nhưng quá trình thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như trong ngành Y tế, vướng mắc về cơ chế chính sách đang bó chân các đơn vị. Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh cho rằng, chi từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) cho y tế còn thấp; việc vượt trần, vượt quỹ BHYT đến cuối năm sau mới được BHXH Việt Nam xem xét, dẫn đến các bệnh viện thiếu kinh phí để chi hoạt động.

 

Bác sĩ Nguyễn Quang Tập, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Việt Tiệp phản ánh, theo quy định hiện nay, giá dịch vụ gồm 4 yếu tố cấu thành: chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý, chi phí đầu tư. Hiện tại, giá viện phí chỉ bao gồm 2 yếu tố là chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương. Tuy nhiên, tiền lương trong cơ cấu giá viện phí vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định 72/2018 của Chính phủ). Bệnh viện phải chi bù lương lên hệ số 1.390.000 đồng/hệ số. Dự kiến mỗi năm, bệnh viện phải chi bù lương là 15,264 tỷ đồng. Mặt khác, 2 yếu tố chi phí là quản lý và chi phí đầu tư chưa đưa vào giá viện phí. Vì vậy, bệnh viện khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cũng theo ông Nguyễn Quang Tập, trong thực hiện xã hội hóa, khi vay vốn đầu tư, trách nhiệm của bệnh viện đối với việc trả nợ là rất lớn; lãi suất khá cao, thời gian phải trả vốn vay ngắn, nên rất khó cân đối nguồn để trả, trong khi đó cơ chế giá dịch vụ do BHYT chi trả chưa có khấu hao để có nguồn chi trả lãi và gốc vốn vay, người bệnh phải trả phần chênh lệch này. Ngoài ra, tỷ lệ người bệnh tham gia bảo hiểm cũng như người bệnh khám, chữa bệnh tăng nhưng theo dự toán 2018 giao quỹ khám, chữa bệnh BHYT  cho bệnh viện là gần 570 tỷ đồng, giảm 11% so với số thực hiện năm 2017 ( 627 tỷ đồng) gây khó khăn cho công tác tài chính bệnh viện.

 

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng Vũ Văn Tâm cho biếttự chủ tài chính, lo lắng nhất là gánh nặng về chi trả lương cho CBCNV.  Trước đây mỗi năm, bệnh viện được thành phố cấp 23 tỷ đồng để chi trả lương nhưng hiện nay bệnh viện phải tự lo trong khi  yêu cầu về nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh đòi hỏi nguồn vốn lớn nên cũng khá khó khăn.  Còn theo bác sĩ Lâm Thị Huyền, Giám đốc Bệnh viện Vĩnh Bảo, hiện nguồn nhân lực của bệnh viện còn thiếu về cả số lượng và chất lượng, thiếu bác sĩ, cử nhân xét nghiệm. Bệnh viện có nhiều cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm phục vụ khám chữa bệnh; trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh còn thiếu nhiều như hệ thống lấy số tự động, máy chụp CT Scan, máy phẫu thuật nội soi, máy xét nghiệm đông máu, miễn dịch… Bên cạnh đó, nguồn ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm, năm 2018 chỉ còn bằng 17% năm 2017. Ước tính mỗi tháng bệnh viện giảm thu 400 triệu đồng/ tháng. Mặt khác hệ số lương cơ bản tăng lên 240.000 đồng/1 hệ số, mỗi tháng bệnh viện chi lương tăng thêm 295 triệu đồng/tháng. Như vậy, với cơ cấu giá dịch vụ và mức lương phải trả hiện nay, mỗi tháng bệnh viện còn thiếu hụt 695 triệu đồng so với trước. Với một bệnh viện tuyến huyện, đây là vấn đề khá nan giải.

 

Đoàn kịch nói Hải Phòng sẽ được sắp xếp chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp phù hợp trong giai đoạn mới.

Ảnh: Vở kịch “Đánh mất Mùa Xuân” của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng.

 

Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc các ngành khác của thành phố, điều lo lắng nhất là làm thế nào để  phát triển được dịch vụ, có nguồn thu trang trải cho các hoạt động. Trong số các đơn vị dự kiến được sắp xếp, sáp nhập, chuyển đổi, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng. Theo lãnh đạo ngành Giáo dục- Đào tạo, việc giảm biên chế là cần thiết nhưng cũng cần tính toán cụ thể từng trường hợp, không nên giảm biên chế cơ học “đổ đồng” 10% trong khi ngành giáo dục có những đặc thù riêng, lại liên quan tới người dân và tác động lớn tới đời sống xã hội, cần có sự vận dụng linh hoạt. Mặt khác, khi chọn các trường để thực hiện tự chủ kinh phí chi thường xuyên, cần kèm theo các cơ chế chính sách về mức thu, quy định rõ ràng, tính pháp lý cao mới thực hiện được, bởi thu- chi trường học luôn là vấn đề rất nhạy cảm. Do đó, ngành Giáo dục- Đào tạo đề nghị chọn một số trường lớn, có điều kiện làm thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng hơn. Tuy nhiên cũng phải có lộ trình hợp lý, từng bước, nếu cắt chi ngân sách ngay trong thời gian ngắn sẽ rất khó thực hiện.

Trong ngành  Văn hóa- Thể thao, Khoa học- Công nghệ… cũng có nhiều suy tư, nhất là việc chuyển một số đoàn nghệ thuật thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, rồi phát triển thể thao thành tích cao…, khi tự chủ sẽ có nhiều vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng tới thành tích, hiệu quả. Đặc biệt có một số ngành do tính chất đặc thù nên khó có khả năng phát sinh nguồn thu, cần được cân nhắc, tính toán kỹ càng hơn về phương án. 

Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là chuyển đổi cơ chế tài chính, từ chỗ ngân sách chi 100% giờ phải “tự bơi”, tự lo, mặc dù có lộ trình nhưng vẫn là một cuộc cách mạng lớn cả về tư tưởng, tư duy, nhận thức và hành động, chắc chắn không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc và suy tư, lo lắng của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, đây là công việc đã tới lúc phải làm, không thể chần chừ thêm được nữa. Quan điểm, nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy đã rõ ràng, cần thực hiện với sự quyết tâm, quyết liệt rất cao, khó tới đâu gỡ tới đó, mới mang lại thành công. Vấn đề đặt ra và cũng là mong mỏi của các cấp, các ngành, các đơn vị là đi kèm với các phương án sắp xếp phải có các cơ chế, chính sách đầy đủ và đồng bộ. Cụ thể là tính đúng, tính đủ giá viện phí; học phí; có cơ chế tuyển dụng phù hợp, linh hoạt… Chắc chắn, sẽ có nhiều hơn số 10% theo mục tiêu từng giai đoạn các đơn vị sự nghiệp công lập dứt được  “bầu sữa” ngân sách nhà nước, Hải Phòng sẽ là địa phương đi đầu cả nước đột phá trong lĩnh vực này./.


Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 24/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Cai sữa” ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập bằng tự chủ tài chính tại Hải Phòng:  Xu thế tất yếu
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác