Một nội dung được nêu trong việc cải cách tiền lương đó là mở rộng quan hệ tiền lương; Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp.
Cơ cấu tỉ lệ tiền lương và phụ cấp
Hiện nay mức lương, thu nhập theo thang bảng lương của công chức, viên chức, người lao động ở mức khởi điểm còn khá khiêm tốn. Nhiều người phải chật vật với mức tiền lương khi sống ở đô thị.
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, báo cáo của Chính phủ cho biết một trong những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới đó là tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
Cải cách tiền lương để có chế độ tiền lương mới đảm bảo mức sống là điều mong đợi của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng Báo cáo lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018
Một nội dung được nêu trong việc cải cách tiền lương đó là mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc cải cách tiền lương sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới theo Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.
Trong đó, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Lý giải điều này, ông Dĩnh phân tích, trong chính sách lương hiện nay còn những bất cập. Trong đó, có nhiều ngành đề xuất điều chỉnh những phụ cấp, thêm các phụ cấp để bù đắp tiền lương thấp của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó dẫn tới có ngành, nghề phụ cấp còn vượt cả lương. Điều này là không phù hợp và không phản ánh được giá trị thực của quan hệ tiền lương.
“Tiền lương phải là cơ bản trong thu nhập của người lao động, còn phụ cấp là phần phụ thêm, không để xảy ra tình trạng phụ cấp vượt cả lương. Cho nên, chủ trương của Đảng ta là phải xác định lại cơ cấu tiền lương, đảm bảo tiền lương chiếm 70% trong cơ cấu, còn phụ cấp không quá 30%”, ông Dĩnh nói.
Bỏ một số loại phụ cấp
Theo ông Dĩnh, Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 7 khoá XII đã xác định, quá trình tổ chức lại chính sách tiền lương mới sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành cho phù hợp. Chỉ còn áp dụng một số loại phụ cấp như phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp trách nhiệm công việc…
Đồng thời cũng sẽ bỏ một số loại phụ cấp như phụ cấp thâm niên theo nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu); bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); bỏ phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa vào điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề)… Điều này sẽ đảm bảo phụ cấp ở các ngành nghề khác nhau cũng không quá 30% tổng quỹ lương.
Đồng tình với các quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho hay, cơ cấu tiền lương mới theo Nghị quyết 27 đã xác định tỉ lệ lương-phụ cấp và quỹ khen thưởng.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc này nhằm đưa tất cả vào tiền lương, tiền tệ hóa tiền lương và đảm bảo phần tính thuế thu nhập cá nhân trên tổng thu nhập, giảm bớt những chính sách bao cấp hiện vật.
Theo Nghị quyết 27 Ban Chấp hành Trung ương xác định nội dung cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công).
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng
Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương…
Vương Trần